Categories Content marketing

Chương trình quản lý nội dung phục vụ cho marketing online

sư tử châu Phi

Khi thực hiện tương đối tốt chương trình quản lý bán hàng, và nó dần trở thành tiểu CRM, chúng tôi đã vô cùng mừng rỡ.

Chương trình đó về cơ bản không chỉ giúp rút ngắn thời gian liên quan đến kế toán, nó còn cho độ chính xác cao.

Tiếp theo về khía cạnh marketing, chương trình có khả năng đưa ra những hỗ trợ nhất định dựa trên kết quả sản phẩm bán ra, rồi cho phép phân tích khách hàng, chăm sóc sau bán hàng.

Liệu một chương trình tương tự có áp dụng được cho nội dung. Tôi sẽ coi nội dung như sản phẩm, lượt truy cập và thời gian ở lại trang giống doanh thu. Những thông số đấy chắc chắn sẽ giúp tôi biết được đâu là nội dung hấp dẫn nhất với khách hàng, và cụ thể về mặt số liệu thì nó như thế nào?

Đi vào chi tiết.


Các thông số mà một chương trình quản lý nội dung cần có

  • Đối tượng mà nội dung hướng tới
  • Hỗ trợ bán cho sản phẩm nào?
  • Từ khoá tìm kiếm SEO
  • Những từ khoá khách hàng tìm kiếm đến trang
  • Thứ hạng trung bình trên máy tìm kiếm với các từ khoá tương ứng
  • Số lượng từ của bài
  • Lượt view trung bình trong tháng

Mặc dù lượng view và thời gian xem trang rất quan trọng, thực tế rất khó đo chuyển đổi về doanh thu trên thực tế nhờ nội dung đó. Vì hai thứ này không phải tương ứng 1 – 1. Hay nói cách khác tôi chẳng thể đoan chắc được rằng vì nội dung này của tôi nhiều người xem mà hàng bán được nhiều hơn. Dù sao tôi cũng không còn cách nào khác, trong bối cảnh mà phương thức đặt hàng chủ yếu vẫn thông qua điện thoại chứ không phải giỏ hàng.

Như vậy chắc chắn chương trình cần kết hợp với hai thứ.

  • Công cụ phân tích như Google Analytics để biết lượt view, và thời gian ở tại trang
  • Công cụ SEO tổng thể để biết thứ hạng trên máy tìm kiếm như SEO PowerSuite
  • Công cụ kế toán để biết doanh thu theo tháng của sản phẩm, từ đó dự đoán khả năng hỗ trợ của nội dung tác động đến hành vi mua hàng

Các kết quả mà chương trình cần làm được?

  • Nó giúp tôi biết được có bao nhiêu nội dung mà khách hàng mục tiêu của tôi đang có. Thí dụ khách hàng nam từ 23 đến 30 tuổi, ở Hà Nội, có ý định mua đồng hồ. Họ có bao nhiêu nội dung để khám phá, và thực tế kết quả thế nào?
  • Nó giúp tôi biết sản phẩm cụ thể đang bán được hỗ trợ bởi bao nhiêu nội dung rồi. Sản phẩm áo khoác công sở dành cho nữ này chẳng hạn, đã có bao nhiêu nội dung cho nó, tổng lượng view và thời gian trên đó. Kết quả thế nào?
  • Những thông số trên có giúp tôi có thêm gợi ý về một số sản phẩm hay đối tượng có quá ít nội dung hướng tới và tôi phải tạo thêm?
  • Nó có cho tôi thấy là tôi đang tạo các nội dung không phù hợp, phải chăng lượng view thấp là nội dung không phù hợp? Hay do bản chất nội dung đó không có nhiều truy vấn nên dù chất lượng cao vẫn có ít người xem. Tôi phải làm rõ
  • Làm sao tôi chắc chắn được là khách hàng ưu thích nội dung đó, thời gian lưu lại tại bài viết đó và lượt view có đủ tin cậy hay không?
  • Tôi sẽ phải tạo thêm nội dung gì? Cho ai? Cho sản phẩm nào? Chủ đề là gì? Là bài viết? Ảnh? Hay video, hay cái gì khác? Liệu chương trình có đưa ra được gợi ý? Hoặc tôi sẽ phải tìm gợi ý từ những nơi khác?

Tránh nhập liệu thủ công

Để tránh nhập liệu thủ công nhiều thao tác, tôi sẽ không chiếm lấy chức năng của Google Analytics hay SEO PowerSuite. Ước mơ là tích hợp lại được thành một thì tốt quá, nhưng điều đó nằm ngoài khả năng.

SEO PowerSuite bản thân nó lại tích hợp được Google Analytics, do vậy cũng giúp đỡ mất công đi nhiều, và cái này chuyên về mảng SEO.

Như vậy công cụ sắp tới, không có quá nhiều đặc biệt, nó sẽ chỉ tập trung vào việc chúng ta có những nội dung gì? Cho ai? Cho sản phẩm nào? Và có bao nhiêu. Những thứ như lượt view, thứ hạng, thời gian trên trang, tổng doanh thu sẽ phải xem ở các chương trình phân tích khác.

Ví dụ nó sẽ giống như thế này:

  • Tôi có 75 nội dung cho phụ nữ sau sinh
  • Có 23 nội dung cho nam giới mới cưới
  • Có 45 nội dung cho giày nam cao cấp
  • Có 36 nội dung cho túi xách cao cấp nữ

Tiếp đó tôi cũng phải quan sát được các chủ đề mà tôi đang có.

Chương trình về cơ bản chỉ giúp cho tôi nhìn rõ hơn những gì mà tôi đã làm và đang có. Các số liệu sẽ phải quan sát ở nơi khác nên sẽ không có các tính toán để đưa ra dự đoán.


Các trường nhập liệu có thể có

  • URL bài viết
  • Tiêu đề (nếu được có thể quét tự động)
  • Số lượng từ (nếu được có thể quét tự động)
  • Từ khoá ý định SEO
  • Đối tượng khách hàng (tạo trước trong CSDL – không phải nhập liệu thuần). Trường đối tượng khách hàng có thể bỏ trống, khi đối tượng quá rộng, hoặc không rõ? Không được phép bỏ trống!!! Các thiết lập phải đủ, phải được nhập. Cái này có thể có nhiều trường, chấp nhận dự đoán.
  • Phục vụ cho sản phẩm (tạo trước trong CSDL – không phải nhập liệu thuần). Cái này chắc chắn phải có và phải nhập. Giả dụ nó không phục vụ mục tiêu bán sản phẩm nào mà chỉ để cải thiện khả năng nhận biết thương hiệu? (thêm trường phục vụ cho tất cả sản phẩm – mục tiêu chung)
  • Mục tiêu: hỗ trợ bán trực tiếp sản phẩm (các nội dung xoay quanh sản phẩm như cách dùng, nguồn gốc, đánh giá sản phẩm của khách hàng khác…), hỗ trợ quảng bá sản phẩm, thu hút khách hàng tiềm năng
  • Cảm xúc mà khách hàng sẽ có khi đọc bài viết (tự dự đoán với tư cách là khách hàng), trước và sau khi đọc có khác nhau? Cảm xúc mà con người có, theo Đại Thừa, thất tình bao gồm: mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, sợ (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Cụ)…Thí dụ đọc bài viết về thực phẩm bẩn thì có thể giận và sợ. Đọc nội dung về việc bảo hiểm y tế có thể sử dụng được ở các tuyến khác nhau thì mừng, vui. Đọc thấy thông tin người mình hâm mộ mắc bệnh nặng thì buồn…Câu hỏi là liệu chúng ta nên tập trung vào cảm xúc loại nào? Phải hạn chế loại nào? Có phải cứ cảm xúc tích cực là có lợi và tiêu cực là có hại?
  • Liệu chúng ta có ước đoán được mức độ ưa thích của khác hàng với nội dung? Chúng ta cần bổ sung thêm nút nhấn hữu ích, không hữu ích với nội dung? Liệu rằng chúng ta tin tưởng đánh giá của khách hàng là đúng? Hay chúng ta tin tưởng nội dung tốt dựa trên quan kiến riêng của ta?

Tôi vừa xem được thông tin, có khả năng nếu chịu khó có thể lấy được dữ liệu thông qua kết nối API của Google Analytics. Hy vọng là có thể làm được. Ngoài ra nếu quy hết về một mối, hoàn toàn lấy thống kê dữ liệu doanh thu lời lãi theo sản phẩm được. Như vậy một cách tương đối lý tưởng, tôi sẽ làm được những điều sau:

Tôi nắm chắc rằng, từng sản phẩm có bao nhiêu nội dung hỗ trợ, đó là những nội dung gì? Có bao nhiêu nội dung dài, ngắn, và trung bình bài viết, video…có độ dài bao nhiêu? Tổng lưu lượng view của từng nội dung và các nội dung, thời gian xem. Tôi có thể suy ra được mối quan hệ giữa lượt xem, lượng nội dung, chủ đề…và số lượng đơn đặt hàng, doanh số. Hay hơi thô tôi biết mối quan hệ giữa nội dung và tiền. Ngoài ra tôi thu thập thêm phản hồi của người dùng về chất lượng bài viết (có hữu ích / không hữu ích). Tôi cũng ước đoán cảm xúc trước và sau khi người dùng tiêu thụ nội dung.
 
Tôi nhìn được toàn bộ bức trang. Kết hợp với một số công cụ khác, tôi biết tôi phải tạo thêm nội dung nào? Sửa nội dung nào đang có, cần cải thiện SEO ở đâu. Tôi hoàn toàn chủ động trong việc cung cấp thông tin cho khách hàng.

Mong đoạn trên sớm thành hiện thực!

Back to Top