Categories Thủ thuật

Cách chống copy bài viết không dẫn nguồn

Chống lại nạn sao chép

Nếu đọc bài viết này hẳn là bạn đang quan tâm đến vấn đề cực kỳ nghiêm trọng là các bài viết của bản thân có thể bị sao chép mà không được dẫn nguồn. Vâng – dẫn nguồn chính là vấn đề !!!

Trong đa số trường hợp, tác giả chấp nhận copy bài viết nhưng phải để lại nguồn để xác thực mồ hôi công sức của họ, và cũng để đảm bảo các bài viết của tác giả có thứ hạng cao hơn trên máy tìm kiếm so với các bài viết copy, khi ai đó search – bởi vì đã xảy ra rất nhiều trường hợp bài gốc thì lại ở tít phía xa xa.

Có nhiều cách để chống lại copy, dưới đây Blog Kiến càng sẽ trình bày các biện pháp mà mình biết:

  • Sử dụng Javascript hoặc CSS để ngăn các thao tác copy bài viết như thao tác quét dòng, chuột phải. Cách này khá hữu hiệu với các đối tượng copy thông thường. Nhưng nhược điểm của nó là làm người dùng khó chịu, và biện pháp này cũng không cản được các đối tượng chuyên đi copy có kỹ năng về công nghệ… Hiện mình không áp dụng cách này vào blog, vì trang của mình hay cung cấp các đoạn code ngay trên bài viết để mọi người lấy về.
  • Sử dụng Google Authorship: Nhằm xác định chính chủ tác giả bài viết. Khi sử dụng Google Authorship có nghĩa là bạn đã đăng ký bản quyền bài viết của bạn với Google. Cách tạo Google Authorship khá đơn giản và hoàn toàn miễn phí… Đây là biện pháp đầu tiên mình áp dụng cho blog này.
  • Trang web của bạn nên có trang Điều Khoản Sử Dụng, trong đó bạn quy định những điều gì được làm và không được làm với trang web của bạn. Trong đó nói rõ về vấn đề bản quyền.
  • Gắn logo DMCA lên trang web. Việc đăng ký DMCA cũng miễn phí và đơn giản. Sau khi đăng ký xong, bạn lấy đoạn code họ cho và đưa vào trang web – thường để logo ở phần chân trang. DMCA là đạo luật chống vi phạm bản quyền nội dung số, và nó rất nghiêm khắc…Nhìn xuống cuối trang của mình, bạn sẽ thấy logo này ở góc bên tay trái.
  • Sử dụng dấu ấn riêng trong bài viết, chẳng hạn với mình, mình sẽ thi thoảng chèn thêm cụm từ “Blog Kiến càng” một cách tự nhiên vào bài viết. Khi đó ai copy bài của mình sẽ copy luôn cái “ADN” của trang web.
  • Khi viết xong bài viết, hãy nhanh tay chia sẻ nó lên Facebook và Google+, việc làm này sẽ giúp Google index bài viết nhanh nhất có thể (bản thân bạn cũng cần lên Google Webmaster tool để cập nhật bài viết).
  • Áp dụng các kỹ thuật SEO mà bạn biết. Sở dĩ các bài viết copy đứng trước bạn trên Google là vì họ có khả năng SEO tốt hơn. Vì vậy, dù không chuyên nghiệp, bạn cũng nên áp dụng các kỹ năng cơ bản để không bị bỏ quá xa. Dĩ nhiên nếu Google mà xác nhận được bạn là chính chủ bài viết thì dù đối thủ có SEO tốt cỡ nào thì vẫn đứng sau bạn 🙂
  • Nếu muốn xác định bản quyền với ảnh bạn hãy đóng dấu logo của bạn. Có nhiều phần mềm miễn phí giúp thực hiện điều này. Có thể không phải ảnh nào bạn cũng đóng logo, mà chỉ đóng dấu những bức quan trọng – như vậy đỡ tốn thời gian hơn.
  • Chống hotlink: Thông thường khi đối tượng copy, họ sẽ copy cả đường dẫn ảnh của bạn. Nếu bạn áp dụng chống hotlink thì đối tượng sẽ phải tải ảnh của bạn về và up lên host của họ rồi chỉnh sửa cho giống bài copy – tức là sẽ mất công hơn khá nhiều thay vì ăn sẵn đường link ảnh. Cách này hạn chế phần nào những tay copy vốn lười biếng.
  • Có thể sử dụng thêm công cụ miễn phí từ http://www.tynt.com/, họ sẽ cho bạn một đoạn code để chèn vào trước thẻ đóng <./head>. Khi đấy ai copy bài viết của bạn thì sẽ copy luôn cả link gốc của bài viết! Tất nhiên cũng tùy trang web mà áp dụng, như blog của mình hay viết về code để mọi người tham khảo, nếu áp dụng tynt.com thì hơi bất tiện mỗi khi ai đó copy code mẫu về chạy thử.
  • Bạn có thể khiếu nại với Google để họ gỡ các bài viết copy khỏi kết quả tìm kiếm.
  • Và cuối cùng, bạn phải đảm bảo rằng chính bạn cũng tuân thủ tối đa các quy định về bản quyền…Blog Kiến càng thấy một số trang chia sẻ key và crack phần mềm có bản quyền cũng gắn logo DMCA lên trang web, như vậy là tự mâu thuẫn. Vì chính việc chia sẻ key và crack là đang vi phạm nghiêm trọng DMCA.
Tự mẫu thuẫn về DMCA
Một trang web đang tự mâu thuẫn khi gắn DMCA vào trang web

…Nếu bạn áp dụng tổng hợp các biện pháp trên, gã định thuổng bài viết của bạn sẽ ít nhiều chùn tay mà suy nghĩ lại. Gã sẽ thấy bạn không phải là tay vừa – và rất khó khăn trong vấn đề đạo bài viết. Nhưng nếu gã vẫn cố tình ăn trộm thì sao? bạn hãy liên hệ và nhắc nhở, nếu tiếp tục không để lại nguồn, bạn nên Report với Google.

Áp dụng tổng hợp các biện pháp là cách hay nhất để chống copy, ngoài ra – báo cáo với Google cũng khá đơn giản, họ làm việc rất nghiêm túc, minh bạch để đảm bảo quyền lợi của bạn.
 

Về DMCA

DMCA là từ viết tắt của Digital Millennium Copyright Act – dịch sang tiếng Việt là Luật Bản Quyền Thiên Niên Kỷ Cho Nội Dung Số – Là một phần của luật bản quyền Hoa Kỳ, ban hành vào năm 1998 được Tổng thống lúc đó là Bill Clinton ký. DMCA có hiệu lực trên Hoa Kỳ và ảnh hưởng đến các quốc gia có ký kết thỏa thuận về luật bản quyền với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Rất nhiều nhà đăng ký tên miền và hosting lớn nhỏ mà các trang web Việt Nam sử dụng đều nằm trên lãnh thổ Hoa Kỳ và dĩ nhiên chịu ảnh hưởng trực tiếp của DMCA. Luật này cũng yêu cầu các máy tìm kiếm như Google, Yahoo hay Bing gỡ bỏ các kết quả tìm kiếm là các link vi phạm DMCA.

Hướng dẫn đăng ký DMCA

Đầu tiên, bạn vào trang http://www.dmca.com/  chọn đăng ký gói miễn phí (Protection Badges free), gói trả phí lên tới 100 USD/năm hoặc 10 USD/tháng – dĩ nhiên quyền lợi sẽ nhiều hơn. Ở Việt Nam, mình biết khoảng vài trang mua gói trả phí, quả thực với những trang như thế, ít ai dám ăn trộm nội dung của họ. Vì nếu phát hiện bị chôm nội dung, họ sẽ yêu cầu DMCA.com can thiệp ngay lập tức, nhẹ thì phải xóa bài đăng, nặng thì bị khóa host, gỡ toàn bộ chỉ mục khỏi Google. Cần nói thêm là Google rất nghiêm khắc tuân thủ đạo luật DMCA bởi nếu Google không làm thì chính họ bị liên đới, và rõ ràng Google chẳng dại gì đi gánh tội thay cho người khác…

Chọn gói DMCA miễn phí
 
…Tiếp theo bạn điền tên của bạn và tên trang web, nên để không dấu. Company Name chính là tên trang web của bạn (cái này để có dấu cũng được nhưng DMCA hiển thị có dấu không được đẹp lắm). Sau đó chọn Submit…
 
Điền thông tin vào mẫu đăng ký DMCA
 
Tiếp đến bạn sẽ được chuyển sang trang mới, nơi bạn lấy code về để đưa vào trang web – code này là một đoạn mã html tương đối đơn giản…Có nhiều mẫu với hình dáng, màu sắc khác nhau để bạn lựa chọn sao cho hợp với tông màu trang web.
Lựa chọn logo DMCA mà bạn thích
 
Sau khi đưa code vào trang web (với blogspot hoặc wordpress bạn dùng tiện ích HTML/Jvascript rồi copy-paste đoạn code này vào), bạn sẽ thấy logo của DMCA, đợi khoảng 24h, DMCA sẽ cập nhật dần danh sách các trang web của bạn vào kho dữ liệu có bản quyền. Khi một trang nào đó được xác nhận có bản quyền bạn sẽ thấy hình này.
 
Xác nhận bảo hộ nội dung trên web theo đạo luật DMCA
 
Như vậy là bạn đã thành công. Ngoài ra DMCA sẽ gửi mật khẩu vào email để bạn quản lý tài khoản của mình.
 
Có một câu hỏi rất hay đó là việc nếu tôi copy, rồi để lại linkback nguồn bài viết có giúp tôi tránh vi phạm DMCA hay không?
 
Câu trả lời là không! Không có quy định nào trong DMCA có nói để lại linkback là bạn được copy tài nguyên số đưa về trang web của bạn. Nếu chủ bài viết khởi kiện thì bạn vẫn phải chịu trách nhiệm. Tất nhiên là ít khi bị như vậy, vì đa số tác giả cảm thấy thoải mái khi bạn dẫn nguồn rõ ràng.
 
Bonus: Chụp màn hình vài trang web ở Việt Nam chịu chi mua gói bảo vệ bản quyền cao cấp của DMCA.com:
 
Mua gói bảo vệ cao cấp của DMCA.com

Comments are closed.

Back to Top