Categories Landing Page

Hướng dẫn chỉnh sửa trang Landing Page bằng LadiPage

Chỉnh sửa trang Landing Page bằng LadiPage

Trong bài viết trước chúng ta đã biết cách tạo Landing Page, lưu data và xuất bản trang lên WordPress với công cụ của LadiPage.

Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu một số chỉnh sửa cơ bản với LadiPage.

Lưu ý: ít nhất ở phiên bản miễn phí, tôi không thấy LadiPage có lưu tự động, do vậy, khi bạn chỉnh sửa, nếu cảm thấy ưng ý rồi thì nhấn nút Lưu để tránh mất thời gian làm lại!

A. Thay ảnh

Để thay ảnh ở trong landing page bạn chỉ cần click vào ảnh, một phần tùy chỉnh sẽ hiện ra để bạn thay đổi đường dẫn:

Thay đường dẫn ảnh
Thay đường dẫn ảnh

Ví dụ với trang landing page trên đường dẫn ảnh của nó là:

https://w.ladicdn.com/57b167c9ca57d39c18a1c57c/1-3-1.jpg

Nhiệm vụ của chúng ta là thay đường dẫn này bằng URL ảnh khác:

Chúng ta có thể vào một trang ảnh miễn phí bất kỳ, chẳng hạn như pexels.com để tải ảnh xuống.

Lưu ý sau tải xuống chỉnh lại kích cỡ vừa phải để tránh dung lượng quá lớn (dung lượng dư thừa sẽ làm chậm website). Thường độ rộng khoảng 2000px là đủ trong phần lớn trường hợp.

Tiếp đến, trong trang WordPress, bạn vào phần Media > Thêm mới để đẩy ảnh này lên thư viện.

Rồi copy URL của ảnh này:

Copy URL của ảnh
Copy URL của ảnh

Nó sẽ có dạng như thế này:

https://ten-mien-cua-ban.com/wp-content/uploads/2023/07/toa-nha-cao-tang.jpg

Rồi bạn đưa URL này vào phần đường dẫn ảnh trên LadiPage.

Riêng ảnh background, có 2 phần quan trọng liên quan để bạn tùy chỉnh sao cho nó có được bố cục đẹp:

  • Vị trí của hình:
Vị trí của hình nền
Vị trí của hình nền
  • Màu lớp phủ lên background. Với điều chỉnh này, bạn sẽ chỉnh được màu phủ lên ảnh background, điều đó sẽ giúp văn bản trên ảnh được rõ ràng hơn khi cần thiết (nhiều khi text bị chìm vào ảnh trên background).

B. Thêm link sản phẩm cho ảnh

Thêm link sản phẩm cho ảnh trong LadiPage có cảm giác không quá dễ dàng (nhưng may mắn là nó cũng không quá phức tạp).

Sở dĩ nó không đơn giản như chúng ta tưởng tượng là vì phần link sản phẩm nó liên quan đến các hoạt động theo dõi chuyển đổi, vốn rất quan trọng trong Google Ads nói riêng và quảng cáo nói chung.

Đầu tiên bạn click vào ảnh hoặc text muốn thêm liên kết. Rồi click tiếp vào “Sự kiện”, sau đó là “Thêm mới”.

Thêm link sản phẩm cho ảnh
Thêm link sản phẩm cho ảnh

Một Popup nhỏ hiện ra, bạn làm như sau, chọn “Hành động” là “Nhấp chuột”, còn “Sự kiện” là “Mở liên kết”, ở phần “Liên kết” thì bạn paste link sản phẩm vào:

Thêm liên kết cụ thể
Thêm liên kết cụ thể

Xong xuôi nhấn Xuất bản là OK.

C. Các chỉnh sửa liên quan đến văn bản

Việc điều chỉnh văn bản trong LadiPage rất dễ dàng.

Bạn chỉ cần click vào văn bản đó, nó sẽ xuất hiện thanh công cụ để bạn chọn lựa, tiếp tục click vào bánh răng cưa để tùy chỉnh được đầy đủ hơn:

Điều chỉnh văn bản trong LadiPage
Điều chỉnh văn bản trong LadiPage

Các tùy chỉnh rất phong phú bao gồm:

  • Font chữ.
  • Cỡ chữ.
  • Kiểu chữ.
  • Căn lề.
  • Màu chữ.
  • Vân vân…

D. Di chuyển các khối (section)

Để di chuyển các khối lên hoặc xuống, bạn có thể làm như sau:

  • Click vào khối (section) đó, nó sẽ xuất hiện thanh dọc bên trái như thế này:
Phần áp dụng để di chuyển khối
Phần áp dụng để di chuyển khối

Bạn click vào mũi tên để di chuyển khối lên trên hoặc xuống dưới.

Click vào biểu tượng thùng rác nếu muốn xóa khối.

E. Undo và Redo

Việc chúng ta thao tác nhầm cần Undo (quay lại lựa chọn) hoặc Redo (tiến tới lựa chọn vừa mới làm) rất hay xảy ra. Để làm điều đó trong LadiPage rất dễ dàng, bạn chỉ cần click vào biểu tưởng dưới đây ở thanh trên cùng:

Undo và Redo
Undo và Redo

Bạn cũng có thể xem lịch sử chỉnh sửa bằng cách click vào biểu tượng đồng hồ bên trái chữ Lưu.

F. Thay đổi kích cỡ màn hình lớn nhỏ

Thay đổi kích cỡ màn hình lớn nhỏ
Thay đổi kích cỡ màn hình lớn nhỏ

Để bạn có thể xem giao diện trên máy bàn hoặc máy di động đã ổn hay chưa. Vì chúng ta chủ yếu thiết kế với giao diện màn hình lớn (cho dễ thao tác), nhưng người dùng thực tế lại hay xài di động hơn. Vì vậy cần đặc biệt chú ý đến giao diện trên màn hình nhỏ.

G. Điều chỉnh lề, khoảng cách giữa các phần tử

Việc di chuyển các phần tử trong LadiPage thực sự dễ dàng, cảm giác dễ như Canva vậy.

Bạn chỉ cần click vào đối tượng cần điều chỉnh và kéo thả nó đến vị trí cần thiết, cái này áp dụng với đa dạng đối tượng như ảnh, văn bản, biểu tượng…

Đối với việc điều chỉnh khoảng cách giữa các section (khối), bạn làm như sau:

  • Click chuột vào đường biên giữa các khối:
Click chuột vào đường biên giữa các khối
Click chuột vào đường biên giữa các khối
  • Sau đó bạn sẽ thấy biểu tượng để bạn di chuyển khoảng cách giữa các khối, bạn click vào và kéo lên, kéo xuống theo ý muốn:
Di chuyển khoảng cách giữa các khối
Di chuyển khoảng cách giữa các khối

H. Thêm khối mới vào landing page

Để thêm khối mới vào landing page trong LadiPage, bạn cũng click vào đường biên giữa 2 khối muốn chèn, sau đó click biểu tượng “Thêm mới Section“.

Sau đó bạn sẽ thấy các section mẫu:

Các section mẫu
Các section mẫu

Nó có rất nhiều, và bên tay trái, bạn có thể click vào phân loại để nó thu hẹp lại các lựa chọn, giúp cho việc bạn tìm được cái mình muốn dễ dàng hơn:

  • Sticky Bar: Thanh menu ngang, thường nằm trên đầu trang dùng để thông báo thông điệp quan trọng.
  • Testimonial: Thêm các bằng chứng xã hội để giảm mức độ do dự, và tăng độ tin cậy cho sản phẩm dịch vụ của chúng ta.
  • Statistics: Một dạng trình bày các con số thống kê đẹp mắt, kiểu như thống kê số lượng sản phẩm / dịch vụ bán được, đã phục vụ bao nhiêu khách hàng,…Các con số cụ thể luôn làm mọi người thấy rõ ràng và tin tưởng hơn các thông tin kiểu “Có rất nhiều khách hàng dùng sản phẩm của chúng tôi”.
  • FAQ: Là các câu hỏi thường gặp. Giải quyết ngay các câu hỏi thường gặp trong landing page giúp tăng khả năng bán hàng, vì nó giải quyết hầu hết các lo lắng của người mua.
  • Timeline: Dòng thời gian, một dạng thông tin thường dùng khi muốn trình bày quá trình phát triển của công ty qua các giai đoạn khác nhau.
  • Team: Khi bạn muốn thông báo những thành viên trong đội nhóm của mình. Điều này có rất nhiều ý nghĩa, nhất là khi trong nhóm có các thành viên được xem là uy tín, đáng tin cậy.
  • Gallery: Chùm ảnh.
  • About Us: Trừ khi bạn quá nổi tiếng, đến mức ai cũng biết rõ, còn không khách hàng luôn tò mò về việc ai là người bán sản phẩm / dịch vụ cho họ. Một đoạn giới thiệu ngắn gọn, súc tích cũng đem lại nhiều lợi ích.
  • Hero Form: Là form quan trọng nằm ở vị trí nổi bật. Form nhìn chung là một trong các thành phần quan trọng hàng đầu trong nhiều dạng landing page. Nên các tùy chỉnh với form nên được để ý kỹ.
  • Pricing: Rất rõ ràng, đây là phần báo giá sản phẩm. Đây là khu vực thông tin ai cũng sẽ xem nếu họ có ý định mua sản phẩm. Do vậy nó cũng cần được trình bày với sự thận trọng cao.
  • Form: Là form nói chung, ngoài vị trí nổi bật (hero form), nó có thể nằm bất cứ đâu, ví dụ như chân trang.
  • Content: Chỉ nội dung nói chung.
  • Partner: Khi đã từng cộng tác với các công ty, doanh nghiệp lớn, uy tín. Bạn có thể thêm thông tin này vào landing page của bạn, như một dạng thông điệp giúp tăng độ tin cậy cho người dùng mới.
  • Footer: Chân trang, thường chứa các thông tin liên hệ, địa chỉ, bản đồ,…
  • Navigation Bar: Thanh điều hướng. Nhìn chung thanh điều hướng, hay menu điển hình thông thường bị loại khỏi trang landing page để tránh người dùng thoát trang. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng loại thanh điều hướng liên kết nội bộ đến các phần khác nhau của trang.
Back to Top