Categories SEO

Cấu trúc website như thế nào để tốt cho SEO (và cả cho người dùng của bạn nữa)

cấu trúc website tốt cho SEO

Vài lời của người dịch: bất kỳ một hệ thống thông tin nào cũng cần có cấu trúc và được sắp xếp hợp lý, điều đó hệt như giá sách của bạn vậy. Nhờ việc có cấu trúc, bạn sẽ dễ dàng tìm được cuốn sách mình muốn mà không quá vất vả, cũng như tránh mua nhầm một cuốn sách mà bạn đã mua!


Website của bạn cần có cấu trúc rõ ràng, bởi vì nếu không có nó, thì website trông giống như một mớ hỗn độn các trang và bài đăng mà thôi.

Người dùng cần cấu trúc này để điều hướng trên trang của bạn, để click di chuyển từ trang này đến trang kia.

Google cũng sử dụng cấu trúc website để xác định nội dung nào là quan trọng và nội dung nào thì ít liên quan hơn. Hướng dẫn này sẽ nói cho bạn tất cả những điều cần biết về cấu trúc website.


#1. Tại sao cấu trúc website lại quan trọng?

Cấu trúc website là quan trọng cho cả tính khả dụng (usability) và khả năng tìm thấy nội dung (findability). Nhiều trang thiếu cấu trúc để hướng dẫn người duyệt web có được thông tin mà họ tìm kiếm.

Có được cấu trúc website rõ ràng cũng đem đến khả năng Google hiểu nội dung website của bạn tốt hơn, vì thế nó là điều vô cùng quan trọng đối với SEO của bạn. Hãy cùng xem xét kỹ hơn cách thức nó hoạt động như thế nào nhé.

Quan trọng cho tính khả dụng

Cấu trúc website của bạn tác động đáng kể đến trải nghiệm của người dùng (UX). Nếu người duyệt web không thể tìm thấy sản phẩm và thông tin mà họ muốn, thế thì thật khó có khả năng họ trở thành khách hàng và người truy cập thường xuyên được. Nói cách khác, bạn phải giúp đỡ người dùng điều hướng trên trang của bạn sao cho thật dễ dàng. Một cấu trúc website tốt sẽ cần phải làm điều đó.

Điều hướng cần phải dễ dàng. Bạn cần chia thư mục và liên kết đến bài viết và sản phẩm để người dùng dễ tìm. Người ghé thăm mới đến phải có khả năng nắm bắt được ngay lập tức chủ đề nội dung của bạn hoặc sản phẩm mà bạn muốn bán.

Quan trọng cho SEO

Một cấu trúc website vững chắc giúp cải thiện cơ hội xếp hạng của bạn trên máy tìm kiếm. Có ba lý do chính cho điều này:

a. Nó giúp Google “hiểu” trang web của bạn

Cách bạn cấu trúc website sẽ cung cấp cho Google thông tin về nội dung quan trọng nhất trên trang của bạn là trang nào. Nó giúp máy tìm kiếm hiểu trang web của bạn có nội dung chủ yếu là về cái gì hoặc bạn bán sản phẩm gì.

Một cấu trúc web tốt cũng cho phép máy tìm kiếm tìm và lập chỉ mục nhanh hơn. Do đó một cấu trúc tốt sẽ dẫn đến thứ hạng cao hơn trên Google.

b. Nó ngăn bạn cạnh tranh với chính bản thân mình

Trên trang của bạn, bạn có thể có nhiều bài đăng khá tương đồng nhau về mặt nội dung (xem thêm trùng lặp nội dung). Lấy ví dụ, nếu bạn viết rất nhiều về chủ đề SEO, bạn có thể có nhiều bài đăng về cấu trúc website, mỗi cái bao trùm một khía cạnh khác nhau.

Hệ quả là Google không có khả năng nhận biết trang nào là trang quan trọng nhất, vì thế bạn có thể ở trạng thái cạnh tranh với chính nội dung của bạn để có được thứ hạng cao trên Google.

Bạn cần phải cho Google biết trang nào bạn nghĩ là trang quan trọng nhất. Bạn cần có cấu trúc liên kết nội bộ và taxonomy tốt để làm được điều đó, vì thế tất cả các trang này cần hoạt động theo cách ủng hộ bạn, thay vì chống lại bạn.

c. Nó xử lý với các thay đổi trên trang web của bạn

Các sản phẩm bạn bán thay đổi theo thời gian. Nội dung bạn viết ra cũng vậy. Bạn có thể thêm sản phẩm mới khi sản phẩm cũ bán hết. Hoặc bạn viết một bài mới làm cho các bài cũ trở nên dư thừa.

Bạn không muốn Google hiển thị các sản phẩm không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại hoặc bài đăng đã bị xóa, vì những lý do này mà bạn cần xử lý những thay đổi kiểu vậy trong cấu trúc website.


#2. Làm thế nào để thiết lập được cấu trúc trang web tốt

Vậy làm thế nào để bạn có thể tạo ra được cấu trúc vững chắc cho website? Đầu tiên, chúng ta cần nhìn vào cấu trúc website lý tưởng; sau đó chúng tôi sẽ giải thích cách để bạn có được điều đó cho website của chính mình.

Cấu trúc website lý tưởng

Hãy bắt đầu với một tình huống lý tưởng nhé: giả dụ bạn bắt đầu xây dựng website từ lúc sơ khởi (scratch), bạn cần phải cấu trúc trang như thế nào đây? Chúng tôi cho rằng website có cấu trúc ổn sẽ trông giống như kim tự tháp với một số cấp độ:

  1. Trang chủ
  2. Trang thư mục
  3. Trang thư mục con (thường chỉ có ở các trang lớn)
  4. Các trang, bài đăng cụ thể

Trang chủ nên ở trên cùng. Sau đó, bạn có một số trang thư mục nằm ngay bên dưới. Bạn phải đặt tất cả các nội dung của bạn nằm bên dưới các thư mục này. Nếu trang của bạn lớn, bạn có thể chia các thư mục thành các thư mục con, điều đó không có vấn đề gì cả, miễn là nó đáng làm. Nằm ngay bên dưới thư mục (hoặc thư mục con) sẽ là các trang, bài đăng cụ thể của bạn.

cấu trúc blog kiểu kim tự tháp
Cấu trúc website lý tưởng trông giống kim tự tháp. Trên đỉnh bạn sẽ tìm thấy trang chủ, ngay bên dưới là các thư mục chính, có khả năng có các thư mục con nếu cần thiết. Ở dưới đáy, bạn sẽ thấy có tất cả các trang, bài đăng cụ thể.

Trang chủ

Ở đỉnh kim tự tháp là trang chủ. Trang chủ của bạn cần có vai trò như một cổng kết nối cho việc điều hướng người duyệt web. Điều đó có nghĩa là, bạn phải liên kết đến các trang quan trọng nhất từ trang chủ của bạn. Nhờ làm điều đó mà bạn có thể thành công trong việc:

  1. Khách truy cập có nhiều khả năng vào các trang mà bạn muốn họ truy cập vào.
  2. Bạn cho Google thấy những trang đó là quan trọng.

Trong phần tiếp theo của bài viết, chúng tôi sẽ giúp bạn xác định trang nào là quan trọng với việc kinh doanh của bạn.

Chúng ta cần chú ý để không liên kết quá nhiều trang từ trang chủ, bởi vì điều đó sẽ gây ra sự lộn xộn. Và trang chủ lộn xộn không đem lại chỉ dẫn hữu ích cho người duyệt web.

Nếu bạn muốn tối ưu hóa cho trang chủ hơn nữa, có nhiều điều khác mà bạn có thể làm. Hãy thử tìm hiểu thêm chủ đề tối ưu hóa SEO cho trang chủ trên mạng.

Điều hướng

Ngoài việc có trang chủ có cấu trúc tốt, một điều cũng quan trọng là có điều hướng rõ ràng trên trang của bạn. Điều hướng trên toàn trang của bạn phải bao gồm hai thành phần chính: menu và breadcrumbs.

Menu

Trước hết, cần nhìn vào menu. Menu của website là sự hỗ trợ phổ biến nhất cho điều hướng trên website của bạn và bạn muốn tận dụng nó tốt nhất có thể.

Người duyệt web sử dụng menu của bạn để tìm mọi thứ trên website. Nó giúp họ hiểu được cấu trúc website của bạn. Đó là lý do vì sao các thư mục chính trên website của bạn phải có một vị trí trên menu của trang chủ.

Ngoài ra, không phải lúc nào cũng cần đưa mọi thứ vào chỉ một menu. Khi bạn có một trang lớn với rất nhiều thư mục, điều này có thể làm cho trang web của bạn trông lộn xộn và làm menu chính ít có khả năng phản ánh phần còn lại của trang. Ở vị trí phù hợp, hoàn toàn ổn khi bạn tạo ra menu thứ hai bổ sung cho menu chính.

Lấy ví dụ, eBay có một menu ở đỉnh của trang – còn được gọi là thanh menu trên cùng (top bar menu) – và thêm vào đó, một menu chính (main menu) nữa.

Menu trên cùng liên kết đến các trang quan trọng không phải là thư mục trong cửa hàng, giống như trang thao tác với tài khoản cá nhân của người dùng.

Menu chính thì phản ảnh các thư mục sản phẩm quan trọng nhất trên eBay.

menu của eBay

Cuối cùng, giống như trên trang chủ của bạn, bạn không được thêm quá nhiều liên kết vào menu. Vì nếu bạn làm thế, nó sẽ trở nên kém giá trị cho cả người dùng lẫn máy tìm kiếm.

Đường dẫn breadcrumb

Bạn có thể làm cấu trúc website rõ ràng hơn nữa bằng cách thêm breadcrumb vào trang của bạn. Breadcrumb là các liên kết có khả năng click thường hiển thị trên đầu trang. Breadcrumb phản ánh cấu trúc của website.

Chúng giúp cho người dùng xác định được họ đang ở đâu trên trang. Chúng cải thiện cả trải nghiệm người dùng và SEO của trang.

Nếu bạn sử dụng WordPress, bạn có thể sử dụng một trong các plugin breadcrumb. Bạn cũng có thể sử dụng plugin Yoast SEO vì chúng tôi đã triển khai tính năng breadcrumb trong plugin này

Taxonomies

WordPress sử dụng cái gọi là taxonomies để nhóm nội dung (các hệ quản trị nội dung khác thường có hệ thống tương tự). Từ “taxonomy” về cơ bản là một thuật ngữ ưa thích cho việc gom nhóm một số thứ – trong trường hợp này là các trang web – những cái có một số điểm chung.

Điều này là thuận tiện bởi vì mọi người hay có xu hướng tìm thêm thông tin về một chủ đề tương tự. Bạn có thể nhóm nội dung theo một số cách khác nhau. Theo mặc định taxonomies trong WordPress là thư mục và thẻ tag.

Thư mục

Bạn phải chia các bài đăng hoặc sản phẩm trên trang của bạn thành một số thư mục. Nếu những thư mục đó phát triển quá lớn, bạn phải chia các thư mục đó ra thành các thư mục con, để một lần nữa làm mọi thứ trở nên rõ ràng hơn.

Lấy ví dụ, nếu bạn có một cửa hàng quần áo và bạn bán giày, bạn có thể quyết định chia thư mục này thành các thư mục con như là: “giày lười”, “giày đế cao”, “giày đế bằng”. Tất cả các thư mục con này sẽ bao gồm các sản phẩm, trong trường hợp này là giày, của loại cụ thể nào đấy.

Thêm hệ thống phân cấp (hierarchy) và phân loại (categorizing) này vào trang của bạn giúp người dùng và Google hiểu ý nghĩa của từng trang bạn viết. Khi triển khai cấu trúc thư mục của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn thêm thư mục chính vào menu chính của trang.

Các thẻ

Cấu trúc trang của bạn cũng sẽ nhận được lợi ích từ việc bổ sung các thẻ (tag). Sự khác biệt giữa thư mục và thẻ chủ yếu liên quan đến cấu trúc.

Thư mục là sự phân tầng: bạn có thể có thư mục con, thậm chí là con của thư mục con. Trong khi đó thẻ thì không có sự phân tầng (không có thẻ con). Thẻ chỉ đơn giản nói rằng: “Này, bài viết hoặc sản phẩm này có một số đặc điểm nhất định có thể hấp dẫn với người đọc”.

Hãy nghĩ như thế này: thư mục giống như mục lục (table of contents) của website, trong khi đó thẻ là chỉ mục (index). Một thẻ cho cửa hàng quần áo trực tuyến đề cập ở trên có thể là về một thương hiệu, ví dụ như Timberlands.

Cố gắng đừng tạo ra quá nhiều thẻ. Nếu bạn thêm một thẻ mới riêng biệt cho từng bài đăng, bạn đang không cấu trúc bất cứ điều gì cả. Hãy đảm bảo là mỗi thẻ cần được sử dụng ít nhất hai lần, và các tag của bạn nhóm các bài viết mà chúng thực sự có liên quan đến nhau.

Một số giao diện WordPress hiển thị tag trong từng bài đăng, một số thì không. Hãy đảm bảo rằng tag được hiển thị cho người đọc ở đâu đó, tốt nhất là ở dưới cùng trang hoặc trong sidebar.

Google không phải là người duy nhất thích các thẻ: cái này còn hữu dụng cho cả người đọc nữa, những người có thể muốn đọc thêm về các bài viết thuộc về cùng một chủ đề.


#3. Liên kết nội bộ theo ngữ cảnh

Cấu trúc website không là gì khác ngoài tập hợp nội dung và liên kết giữa chúng trên trang của bạn. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta phần lớn chỉ thảo luận về cái gọi là phân loại liên kết (classifying links): liên kết trên trang chủ, trong menu điều hướng và taxonomies.

Các liên kết theo ngữ cảnh, mặt khác, là liên kết nội bộ nằm trong văn bản trang trỏ đến trang khác thuộc cùng tên miền gốc đó. Với liên kết theo ngữ cảnh, bài viết bạn liên kết phải liên quan đến nội dung mà người dùng đang đọc trên bài viết hiện tại.

Nếu bạn nhìn vào các liên kết nội bộ trong bài này, chẳng hạn chúng tôi liên kết đến bài tính khả dụng, nhờ thế mà mọi người có thể tìm hiểu thêm về chủ đề đó nếu họ thích.

Trang quan trọng nhất của bạn thường rất liên quan, và xứng đáng được đề cập đến nhiều lần trên khắp trang, và vì thế nó cũng thường được liên kết nhiều nhất. Chỉ cần nhớ là không chỉ trang bạn liên kết đến là có liên quan, mà bối cảnh của liên kết cũng quan trọng không kém. (ý là bạn đừng gượng ép trong chuyện liên kết – một cách dễ hiểu, nó giống như việc khen ngợi, ai đó có thể rất xinh đẹp, duyên dáng và bạn muốn khen ngợi họ, nhưng lời khen đó cần bối cảnh phù hợp để nó trở nên tự nhiên).

Google sử dụng bối cảnh của liên kết để thu thập thông tin về trang mà bạn liên kết đến. Nó luôn luôn sử dụng văn bản neo để hiểu trang liên kết đến có chủ đề gì. Nhưng văn bản neo không phải là thứ duy nhất Google để ý đến.

Ngày nay, nó cũng xem xét đánh giá nội dung xung quanh liên kết để thu thập thêm thông tin. Google ngày càng tốt hơn trong việc hiểu các từ và ý tưởng có liên quan đến nhau. Bổ sung liên kết từ ngữ cảnh có ý nghĩa cho phép Google đánh giá đúng giá trị và xếp hạng cao các trang của bạn.

Ngữ cảnh liên kết với blog

Đối với blog bạn nên viết nhiều về chủ đề mà bạn muốn xếp hạng. Bạn phải viết một số bài viết chính (nội dung trọng tâm / cornerstone articles) và viết các bài viết đa dạng về chủ đề con của chủ đề này.

Sau đó liên kết từ những bài viết liên quan đến bài viết trọng tâm, và từ bài viết trọng tâm liên kết ngược trở lại bài viết liên quan. Bằng cách này, bạn đảm bảo được rằng, trang quan trọng nhất có được nhiều liên kết nhất, cũng như có được nhiều liên kết liên quan nhất.

Ẩn dụ sau sẽ giúp bạn hiểu nguyên lý này: Tưởng tượng bạn đang nhìn vào bản đồ của một bang hoặc một quốc gia. Bạn có khả năng thấy nhiều thị trấn và một số thành phố lớn.

Tất cả thị trấn và thành phố sẽ được kết nối theo một cách nào đó. Bạn sẽ để ý thấy các thị trấn nhỏ thường có đường dẫn đến các thành phố lớn. Những thành phố này là nội dung chính/trọng tâm, nhận được nhiều liên kết nhất.

Các thị trấn nhỏ là các bài đăng của bạn về nhiều chủ đề cụ thể khác. Có một số tuyến đường (link) dẫn đến những thị trấn nhỏ này, nhưng không nhiều như các thành phố lớn.

internal link giúp cải thiện thứ hạng trên máy tìm kiếm

Cơ hội liên kết theo ngữ cảnh đối với shop trực tuyến

Bạn không có ý định thực hiện hành trình khám phá một chủ đề nào đấy trên trang sản phẩm: bạn chỉ cần bán được hàng thôi. Vì thế, trên trang sản phẩm, bạn chủ yếu muốn giữ mọi người trên trang và thuyết phục họ mua hàng.

Hệ quả: liên kết theo bối cảnh là ít nổi bật trong tình huống này. Thông thường bạn nên tránh thêm liên kết theo ngữ cảnh vào phần mô tả sản phẩm của bạn, bởi vì nó có thể dẫn đến việc mọi người click thoát khỏi trang đó.

Có một số cách hay để thêm liên kết theo ngữ cảnh đến trang sản phẩm của bạn:

  1. liên kết từ trang nhóm sản phẩm đến trang sản phẩm riêng lẻ
  2. khu vực ‘sản phẩm liên quan’ hoặc ‘so sánh với sản phẩm tương tự’
  3. khu vực ‘khách hàng cũng mua sản phẩm này’
  4. khu vực ‘nhóm sản phẩm’ hoặc ‘sản phẩm thường được mua cùng với nhau’.

#4. Trang đích – Landing page

Trang đích là trang mà bạn muốn độc giả của mình tìm thấy khi họ tìm kiếm một từ khóa cụ thể mà bạn chủ động tối ưu hóa.

Lấy ví dụ, chúng ta muốn mọi người khi tìm kiếm từ khóa “free SEO training / đào tạo SEO miễn phí” sẽ truy cập được vào trang đào tạo miễn phí cho người mới làm quen với SEO.

Bạn cần có cách tiếp cận nội dung của các trang đích quan trọng nhất của bạn theo cách khác biệt so với các trang thông thường khác.

Ở đây, chúng ta sẽ thảo luận hai dạng landing page: trang đích nền tảng/trọng tâm và trang đích sản phẩm.

Cả hai trang này là trang mà bạn muốn mọi người đến từ máy tìm kiếm, nhưng chúng yêu cầu cách tiếp cận khá khác nhau.

Nhưng trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu ý định tìm kiếm, bởi vì bạn cần phải biết độc giả của bạn thực sự tìm kiếm điều gì.

Ý định tìm kiếm

Khi thiết lập cấu trúc website, bạn cần nghĩ về ý định tìm kiếm. Nó là điều mà bạn nghĩ mọi người sẽ tìm kiếm khi họ nhập truy vấn vào máy tìm kiếm. Mọi người muốn tìm kiếm điều gì? Và: họ mong đợi điều gì?

Hãy bỏ thời gian đánh giá về các ý định tìm kiếm khác nhau. Mọi người đang tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi nào đấy hay cho một định nghĩa? Liệu họ có so sánh các sản phẩm trước khi mua không? Hoặc có phải họ có ý định mua một cái gì đó ngay lập tức?  Điều này thường được phản ánh trong kiểu truy vấn mà người dùng tạo ra.

Khi bạn nắm rõ ý định tìm kiếm của người dùng, điều quan trọng là đảm bảo trang đích khớp khít với ý định tìm kiếm của độc giả. Trang có thể trả lời trên một ý định tìm kiếm, nhưng bạn cần có quan điểm rõ ràng, ít nhất là về trang quan trọng nhất.

Trang nội dung trọng tâm

Trang trọng tâm là trang thông tin quan trọng nhất trên website của bạn. Trọng tâm của chúng là cung cấp thông tin đầy đủ và tốt nhất về một chủ đề nào đó, mục tiêu chính của nó không phải là bán sản phẩm.

Bởi mục tiêu này, chúng ta thường nghĩ đến blog khi nói về nội dung trọng tâm. Tất nhiên, nó không chỉ có mỗi về bài đăng blog mà thôi.

Mọi dạng website khác nhau đều có bài viết trọng tâm! Quy tắc ngón tay cái ở đây là: nếu một bài viết bao gồm mọi thứ mà bạn biết về một chủ đề rộng lớn, thì đó là bài viết trọng tâm.

Trang đích sản phẩm

Trang đích sản phẩm khác biệt đáng kể với trang nền tảng/trọng tâm. Trang nền tảng/trọng tâm thì khá dài, trong khi trang sản phẩm nhất định không được phép dài.

Thay vì là một bài viết hoàn chỉnh, chúng cần phải được tập trung. Những trang này chỉ hiển thị những thông tin mà người dùng cần biết nhằm thuyết phục được họ. Họ không cần phải nắm rõ tất cả thông tin.

Bạn tất nhiên là muốn có xếp hạng cao cho những trang này, và điều đó nghĩa là chúng cần nội dung. Nội dung vừa đủ cho Google hiểu được trang về điều gì và từ khóa nào nó cần được xếp hạng.

Trong khi trang trọng tâm có thể được viết bao chứa hàng ngàn từ, thì vài trăm từ có thể là đủ cho trang đích sản phẩm. Trọng tâm chính của nội dung nên là sản phẩm của bạn.


#5. Bảo trì cấu trúc website

Cấu trúc hoặc cấu trúc lại website không phải lúc nào cũng là ưu tiên cao nhất trong số những điều cần phải làm. Đặc biệt là khi bạn viết blog rất nhiều hoặc bổ sung nội dung thường xuyên, nó có thể đem lại cảm giác nhiệm vụ này chỉ như một việc vặt.

Dù công việc này chẳng mấy vui thú, bạn cần phải làm nó, hoặc website của bạn sẽ trở thành đống lộn xộn. Để ngăn điều đó xảy ra, bạn không chỉ chỉnh sửa cấu trúc website mà còn phải để ý đến nó trong khi tạo thêm nội dung mới.

Cấu trúc website phải trở thành một phần trong chiến lược SEO dài hạn của bạn.

Đánh giá menu của bạn

Khi mục tiêu kinh doanh hoặc website của bạn thay đổi, menu của bạn cũng cần thay đổi theo. Khi bạn bắt đầu nghĩ về việc cấu trúc lại trang của bạn, lên kế hoạch mọi thứ theo cách trực quan sẽ ổn hơn. Hãy lập sơ đồ nhé.

Bắt đầu với menu mới có một hoặc hai cấp độ và xem nó có còn phù hợp với nhiều trang mà bạn tạo qua nhiều năm hay không. Bạn sẽ thấy là một số trang vẫn xứng đáng tồn tại, nhưng có vẻ như không còn hợp lý khi để nó ở trên menu thêm nữa.

Không thành vấn đề, chỉ cần bạn đảm bảo liên kết đến chúng trên các trang liên quan và trên sitemap của bạn, vì thế mà Google và người dùng của bạn có thể dễ dàng tìm thấy những trang như vậy. Sơ đồ cũng sẽ giúp bạn hiển thị bất kỳ khoảng trống (thiếu sót) nào trong cấu trúc trang.

Suy nghĩ lại về taxonomy

Tạo ra cái nhìn tổng quan về thư mục, thư mục con và sản phẩm hoặc bài đăng cũng sẽ giúp bạn suy nghĩ lại về taxonomy. Điều này có thể thực hiện thông qua một bảng tính đơn giản, nhưng bạn có thể sử dụng nhiều công cụ trực quan như LucidChart hoặc MindNode.

Liệu thư mục và thư mục con sản phẩm vẫn cung cấp tầm nhìn tổng quan hợp lý cho các sản phẩm hoặc bài đăng?

Có thể bạn sẽ nhận ra rằng có thư mục nào đó thành công hơn nhiều thư mục khác, hoặc có thể bạn đã viết rất nhiều về chủ đề nào đó, trong khi chủ đề khác lại rất ít.

Nếu một thư mục lớn hơn nhiều những thư mục khác, cấu trúc kim tự tháp của trang có thể bị mất cân bằng. Hãy nghĩ về việc chia thư mục lớn này ra thành nhiều thư mục khác.

Nhưng nếu một số dòng sản phẩm nhỏ hơn nhiều so với các cái khác, bạn có thể muốn kết hợp chúng lại. Đừng quên chuyển hướng trang mà bạn xóa.

Trong trường hợp không mong muốn, bạn cần xây dựng sitemap HTML theo cách thủ công, hãy cập nhật sitemap sau khi thay đổi cấu trúc trang. Rất có thể là bạn đang có sitemap XML, hãy gửi lại nó lên Google Search Console.

Dọn dẹp các nội dung quá đát (date)

Một số bài viết không còn cập nhật ở thời điểm hiện tại có thể được cải thiện bằng cách cập nhật và xuất bản lại nội dung, để làm chúng trở nên liên quan hơn.

Nếu một bài viết bị quá date và không còn ai đọc nó nữa, bạn có thể chọn loại bỏ nó hoàn toàn. Điều này có thể giúp dọn dẹp website sạch sẽ hơn.

Điều mà bạn cần phải để ý trong trường hợp này là, bạn không bao giờ được xóa một bài viết mà không chuyển hướng nó. Bởi nếu không chuyển hướng, trang mà Google không tìm thấy sẽ trả về lỗi 404.

Cả máy tìm kiếm và người duyệt web sẽ thấy lỗi này với thông báo là trang không tồn tại, và đây là trải nghiệm người dùng tệ hại, do vậy cũng tệ cho SEO của bạn nữa.

Hãy thông minh hơn! Bạn cần chuyển hướng đúng URL trang mà bạn muốn xóa, vì thế người dùng của bạn (và cả Google) sẽ đến được trang thay thế liên quan đến nó. Điều này giúp cải thiện SEO website.

Nếu bạn dùng WordPress, hãy thử sử dụng plugin này để thực hiện chuyển hướng, nhằm tránh lỗi 404.

Tránh chuyện các từ khóa ăn lẫn nhau (cạnh tranh nội bộ với nhau)

Trang web của bạn là về một chủ đề cụ thể, cái có thể là tương đối rộng hoặc khá hẹp. Trong khi thêm nội dung, bạn phải tỉnh táo chuyện các từ khóa ăn thịt lẫn nhau (keyword cannibalization).

Nếu bạn tối ưu hóa bài viết cho các từ khóa rất giống nhau, bạn đang tự phá vỡ cơ hội xếp hạng cao trên Google. Nếu bạn tối ưu các bài viết khác nhau với các từ khóa tương tự nhau, bạn đang cạnh tranh với chính bản thân mình, và nó sẽ làm cho thứ hạng của cả hai trang thấp hơn.

Nếu bạn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chuyện các từ khóa ăn nhau, bạn cần làm một số thứ. Nói ngắn gọn, bạn cần phải nghiên cứu tính hiệu quả của nội dung, và có thể cần hợp nhất và chuyển hướng một số trang.


#6. Liên kết nội bộ với Yoast SEO

Bạn có cảm thấy choáng ngợp một chút bởi tất cả các lời khuyên này không? Yoast SEO có một số công cụ hữu ích để tạo các liên kết nội bộ dễ dàng hơn.

Yoast SEO có tính năng hiển thị số lượng liên kết văn bản nhờ thế mà bạn có thể tối ưu hóa chúng.

Nó hiển thị số lượng các liên kết nội bộ trong bài đăng và số lượng các liên kết nội bộ của những bài khác đến bài đăng đó.

Bạn có thể sử dụng công cụ này để nâng cao hơn nữa cấu trúc website, thông qua cải thiện liên kết giữa các bài đăng.

Cần đảm bảo là nội dung quan trọng của bạn nhận được nhiều liên kết (liên quan) nhất!

liên kết đến và đi

Yoast SEO phiên bản cao cấp cũng trợ giúp bạn rất tốt để website có được liên kết nội bộ. Công cụ gợi ý liên kết nội bộ của chúng tôi sẽ hiển thị cho bạn bài viết nào liên quan đến bài mà bạn đang viết, vì thế bạn có thể dễ dàng liên kết đến chúng: chỉ cần kéo các liên kết vào phần biên tập là xong!

Hơn nữa, công cụ của Yoast SEO cho phép bạn chỉ định bài viết nào là bài viết trọng tâm trên trang của bạn. Điều này giúp những bài viết này hiển thị trên đỉnh cao nhất của công cụ gợi ý liên kết nội bộ. Nhờ thế bạn sẽ không bao giờ quên liên kết đến chúng.

Cập nhật: một trong các plugin khác hỗ trợ liên kết nội bộ rất tốt là Link Whisper. Ngoài ra nếu có điều kiện thì phần mềm SEO Screaming Frog cũng thực hiện chức năng này rất tốt.


#7. Tóm tắt về cấu trúc website

Như chúng ta thấy, có một số lý do giải thích vì sao cấu trúc website lại quan trọng. Cấu trúc website tốt giúp cả người đọc lẫn Google điều hướng tốt hơn trên trang.

Nó giúp dễ dàng thực hiện các thay đổi và ngăn bạn cạnh tranh với chính nội dung của mình. Vì thế hãy sử dụng các mẹo và chỉ dẫn trong hướng dẫn này để kiểm tra và cải thiện cấu trúc website của bản thân.

Bằng cách đó, bạn sẽ là kẻ dẫn đầu và giúp trang web phát triển vượt bậc!

(Dịch từ bài viết Site structure: the ultimate guide, tác giả Marieke van de Rakt, đến từ trang Yoast SEO)

Comments are closed.

Back to Top