- Bài số: 13
- Năm thực hiện: 2018, cập nhật 2022.
- Video hướng dẫn: Có
- Thuộc dự án: Hướng dẫn sử dụng WordPress cho người mới
Phần này nghe có vẻ hơi kỹ thuật một tý nhưng nó không khó đâu. Và đúng là chủ đề hơi chán nhưng bạn phải để ý vì cấu trúc URL ảnh hưởng đến SEO, cũng như khả năng nó được chia sẻ trên mạng xã hội hoặc được các trang web khác liên kết tới (bạn có backlink).
Bạn nên thiết lập cấu trúc URL chuẩn chỉnh ngay từ đầu, hoặc trong trường hợp bạn có lơ là thì cũng đừng để xảy ra tình trạng viết hàng trăm bài mới quyết định thay đổi cấu trúc URL vì khi ấy sẽ khá vất vả để sửa chữa. Ngoài ra nếu chỉnh sửa không khéo nó còn phá tan nỗ lực SEO của bạn.
OK, giờ không vòng vèo thêm nữa, chúng ta sẽ học cách làm luôn nhé.
Video hướng dẫn
Bạn có thể xem video hoặc chuyển xuống đọc tiếp bài viết để biết cách làm.
Theo mặc định đây là cấu trúc URL của WordPress:
http://1wp.ducanhplus.com/2018/04/03/ban-nhap-tieu-de-bai-viet-o-day/
Bạn sẽ không cần quan tâm đến phần đầu: http://1wp.ducanhplus.com
này vì nó là tên miền & sẽ không có chuyện thay đổi ở phần đó được.
Cấu trúc URL mà tôi muốn nói là ở đây: 2018/04/03/ban-nhap-tieu-de-bai-viet-o-day/
Bạn có thể thấy đây là cấu trúc năm/tháng/ngày/url-cua-bai-viet và nó là cấu trúc mặc định của WordPress khi bạn mới cài đặt
Có 2 tiêu chí quan trọng hàng đầu trong việc cấu trúc URL chuẩn, đó là:
- Nó cần ngắn gọn.
- Nó có tính mô tả.
Nhìn vào tiêu chí trên, cấu trúc mặc định của WordPress có 2 điều bất ổn:
- Nó đưa thừa thông tin với độc giả, vì thông tin ngày tháng năm trong URL hầu như không giúp ích gì cho người đọc cả trong hầu hết các thể loại bài viết (chỉ trừ một số trường hợp như báo chí, thông tin ngày tháng trong URL có thể quan trọng).
- Thậm chí ngày tháng năm trong URL còn gây tác dụng ngược nếu người đọc cho rằng bài viết đó đã quá cũ và không phù hợp để đọc (trong khi thực tế có thể không đúng như vậy khi mà người tạo liên tục cập nhật nội dung cho nó).
1. OK hiểu, vậy cấu trúc nào tôi nên dùng bây giờ?
Hiện tại có 2 cấu trúc phổ biến được ưa dùng:
- Ưu tiên tính ngắn gọn tối đa, tên-miền/tên-bài-viết, kiểu như:
kiencang.net/nghien-cuu-tu-khoa
- Ngắn gọn nhưng vẫn chú ý đến thư mục, đưa thư mục vào URL, tên-miền/thư-mục/tên-bài-viết, kiểu như:
kiencang.net/seo/nghien-cuu-tu-khoa
; trong đó, với ví dụ này,seo
chính là thư mục.
Các cấu trúc trên đều bỏ ngày tháng, trong thực tế một số website vẫn sử dụng cấu trúc tháng năm hoặc thậm chí ngày tháng năm nhưng con số đó không nhiều, và các website chủ động sử dụng cấu trúc đó có lý do chính đáng của họ, ví dụ họ có rất nhiều bài đăng hàng ngày, cấu trúc tháng năm giúp họ hạn chế trùng URL.
Quay lại một chút về 2 cấu trúc phổ biến, cấu trúc ngắn gọn tối đa có vẻ dễ hiểu, nhưng còn cấu trúc có thư mục thì sao? Ưu điểm của nó là gì?
Ở khía cạnh cung cấp thông tin cho người đọc, cấu trúc thư mục giúp người xem biết được bài viết đang đọc thuộc thư mục lớn nào. Ở khía cạnh marketing, cấu trúc thư mục giúp người quảng cáo dễ dàng thiết lập tiếp thị lại cho những ai đã từng ghé thăm website (ví dụ họ muốn quảng cáo một bài viết cụ thể cho người dùng vào nhóm sản phẩm nào đó).
Chỉ có một lưu ý nhỏ trong cấu trúc URL có thư mục là bạn đừng để tên thư mục quá dài, 1 từ là tốt nhất, còn không chỉ nên để tối đa 2 từ. Điều đó giúp bạn tránh tự phá bỏ đi lợi thế ngắn gọn.
2. Cấu trúc lại URL mẫu của WordPress
Đây là phần thực hành, sau khi bạn đã hiểu lý thuyết mà tôi mô tả ở trên.
Trước tiên là thiết lập tổng quan mẫu URL (đường dẫn tĩnh). Bạn nhìn sang bên tay trái của Dashboard (bảng tin).
Với WordPress tiếng Việt, bạn vào Cài đặt > Đường dẫn tĩnh
Còn với WordPress tiếng Anh, bạn vào Settings > Permalinks
Bạn có thể thấy một lô các tùy chọn vô cùng phong phú để thiết lập đường dẫn tĩnh (cấu trúc URL mẫu):
Bạn chỉ cần quan tâm đến cái cuối cùng chỗ Custom Structure, vì đây là chỗ mà chúng ta tùy chỉnh cấu trúc URL theo ý của mình.
Nếu bạn theo hướng URL ngắn gọn nhất có thể, hãy copy thông tin sau vào ô trống: /%postname%/
Nếu bạn theo hướng URL có thư mục, hãy copy thông tin sau vào ô trống: /%category%/%postname%/
Trong đó category nghĩa là thư mục, còn postname nghĩa là tên bài viết.
Để lưu thiết lập, bạn kéo xuống cuối và nhấn Save Changes.
3. Sửa URL bài viết khi cần thiết
Phần trên là thiết lập URL mẫu tổng thể của các bài viết, khi cần thiết bạn nên viết lại URL cụ thể của một bài viết, nó chính là phần postname.
Tại sao lại như vậy, bởi vì mỗi khi viết bài mới, lúc bạn đặt tiêu đề cho bài, WordPress sẽ tự động tạo ra postname cho bài viết đó, nó khá tốt nhưng nhiều khi không được tối ưu ở khía cạnh độ dài và đôi khi là từ khóa cũng bị thiếu.
Thí dụ, postname được tạo tự động cho chính bài này có tên như sau: tuy-chinh-cau-truc-url-cua-wordpress-duong-dan-tinh
Nó có đến 10 từ, thuộc loại dài, phần lớn trường hợp bạn chỉ nên giới hạn trong 5 từ mà thôi.
Để sửa lại URL này bạn click vào nút Edit ngay dưới tiêu đề:
Trong phiên bản mới của WordPress, nó ở phần Permalink trong mục Post:
Sau đó bạn hãy chọn các từ khóa quan trọng nhất mà thôi, ví dụ tôi chọn thế này: cau-truc-url-wordpress
Một chú ý nhỏ là nếu trong khi viết bài bạn chưa chọn thư mục cho bài viết, nó sẽ tự động xếp bài đó vào mục uncategorized (nghĩa là chưa phân loại) như trên.
Để sửa thư mục, ở khu vực Categories, bạn chọn thư mục mới là được, rồi nhấn Save Draft (lưu bản nháp):
Cuối cùng bạn sẽ có cấu trúc như mong muốn:
Ở trên là cấu trúc URL có thư mục.
Nếu là cấu trúc URL ngắn gọn tối đa, nó sẽ ở dạng như thế này:
Như vậy là bạn đã hiểu và biết cách làm cả hai phần liên quan đến thiết lập cấu trúc URL tổng thể của cả trang web và chỉnh sửa lại URL của từng bài cụ thể khi cần thiết.
P/S: nếu bạn dùng plugin Yoast SEO để tối ưu hóa cho máy tìm kiếm thì khi URL quá dài sẽ có thông báo cho bạn biết điều đó:
4. Nhược điểm của 2 cấu trúc URL phổ biến
Chúng ta đã biết ưu điểm của chúng rồi, các cấu trúc URL trên giúp URL ngắn gọn, trông đẹp mắt và nhận được nhiều lợi thế từ hệ quả này.
Tuy nhiên không phải là chúng không có nhược điểm.
Với cấu trúc URL siêu ngắn, chỉ có postname, không có thư mục, nó thích hợp nhất cho các trang có nội dung chuyên sâu, hẹp, các trang viết đa dạng các chủ đề sẽ gặp khó khăn (chủ yếu ở khía cạnh mất công sức) nếu muốn thiết lập những chọn lựa dựa trên URL của thư mục, mà ví dụ điển hình nhất là tiếp thị lại (như Remarketing trên Facebook hoặc mạng hiển thị của Google).
Với cấu trúc URL kèm thư mục, bạn sẽ gặp rắc rối nếu đổi bài viết sang thư mục khác, hoặc đổi tên thư mục, vì điều đó nếu không cẩn thận có thể dẫn đến việc URL của bài viết thay đổi theo. Mà việc đổi URL không chủ động sẽ phá hoại SEO của bạn. Lúc này bạn sẽ cần thiết lập chuyển hướng (301) để đảm bảo máy tìm kiếm nhận ra URL mới nhưng là bài viết cũ để vẫn giữ thứ hạng cho website.
Trong trường hợp bạn xếp một bài viết cùng lúc thuộc về hai thư mục khác nhau thì chỉ có một thư mục được chọn làm chính (Primary), và tên thư mục đó sẽ xuất hiện trong URL với kiểu URL có thư mục.
Giờ mọi thứ cần nói đã xong rồi, chúc bạn có URL thật đẹp.
P/S: bản thân mình đang chọn cấu trúc URL siêu ngắn.
Bài tiếp theo: Quản lý comment, bình luận trong WordPress.
cảm ơn bạn nhiều lắm, xem video của bạn rất dễ hiểu
Cám ơn bạn nhiều nhé! Mình mới lập blog banquantam.com còn nhiều bỡ ngỡ, sẽ tiếp tục theo dõi các bài vết khác của bạn ^^
Rất vui vì giúp đỡ được bạn.
thay đổi màu của cụm từ gắn backlink thì làn thế nào?
Cái đó sử dụng CSS bạn à, hoặc tùy theme nó có tùy chỉnh phần đó.
Hello, mình xem cách thay đỗi nhưng có lẽ trên phien bản mới ko có “Permalinks”. Zalo mình 0909 185 *** có thể cho mình số phone ib nhờ hỗ trợ. Thanks!
cho mình hỏi thay đổi cấu trúc link
đường link hiện tại : trangchu/san pham/ten san pham
đường link mong muốn : trangchu/ten san pham
nghĩa là bỏ bớt cái tên sản phẩm, hoặc thư mục ở giữa đi, chỉ để lại trang chủ + tên sp con
mình đã thử cách tùy chỉnh trong phần cài đặt không được, chắc là phải đục code, bh chưa biết làm thế nào, mong anh chỉ giáo
Trong phần chỉnh sửa permalink (liên kết tĩnh) có đó bạn.