Categories SEO

Cách tìm và sửa lại bài viết cũ có thứ hạng chưa cao để cải thiện traffic từ SEO

bức tường đá, cũ có vẻ đẹp của cũ

Có một sự thật là có nhiều bài viết của bạn trong top 10, top 20 mà nếu bạn cải thiện được thứ hạng cho nó thì nó sẽ đem lại nguồn traffic rất tốt. Tại sao lại thế?

Nguyên nhân nằm ở chỗ tỷ lệ click của những trang thuộc top đầu và top cuối khác hẳn nhau.

thứ hạng ảnh hưởng đến tỷ lệ click

Đường màu xanh là cho từ khóa thương hiệu, đường màu hồng đậm là cho từ khóa thông thường. Giờ chúng ta chỉ tính đến các từ khóa thông thường – không thương hiệu. Bạn có thể thấy vị trí đứng đầu nhận được 30% click, thứ nhì 15%, và thứ ba khoảng 10%, trong khi đó vị trí thứ 8, 9 và 10, mỗi cái chỉ khoảng 2, 3%. Tức là lượng traffic sẽ chênh nhau từ 5 cho đến 15 lần giữa nhóm cuối và nhóm đầu tùy từng vị trí.

Cơ hội ở đây là:

  • Bạn đã có những bài trong top 10, top 20; cho dù không phải thứ hạng tốt, và traffic cũng đang không tốt. Tuy nhiên để lọt vào nhóm này thôi cũng không dễ, tức là bạn đã có lợi thế hơn rất nhiều trang khác, và lợi thế hơn so với việc phải viết một bài hoàn toàn mới trên chính trang của bạn.
  • Nếu bạn nỗ lực (và chắc chắn nó không vắt kiệt sức bạn, vì bạn có vị trí nhất định rồi) thì bạn có thể cải thiện thứ hạng, đưa trang vào nhóm top đầu, lý tưởng nhất là top 3.

Hy vọng tôi đã thuyết phục bạn đồng ý được vế thứ nhất. Còn vấn đề thứ hai phải giải quyết, đó là tìm những bài viết như vậy như thế nào?

Công cụ để sử dụng rất quen thuộc thôi, đó là Google Webmaster Tool (nay có tên là Google Search Console). Họ có báo cáo từ khóa và vị trí xếp hạng tương ứng của chúng (tất nhiên bạn phải là quản trị viên của trang web nào thì mới xem được từ khóa của trang web đó).

Chúng ta sẽ vào xem luôn, đầu tiên bạn chọn phân tích tìm kiếm ở góc bên trái:

phân tích tìm kiếm

Tiếp theo bạn chọn như hình sau:

thực hiện các tùy chọn lọc dữ liệu

Bạn tick vào:

  • Số lần nhấp chuột, số lần hiển thị, CTR, vị trí để có được đầy đủ dữ liệu.
  • Chọn Truy vấn.
  • Ngày bạn chọn khoảng thời gian rộng nhất có thể là 90 ngày, để mình có được nhiều dữ liệu.

Bạn sẽ thấy kết quả giống như thế này:

kết quả các từ khóa và vị trí xếp hạng

Bạn có thể click vào các tiêu đề cột để sắp xếp dữ liệu từ cao xuống thấp hoặc từ thấp lên cao. Nhưng cái đó giờ không quá quan trọng, nó chỉ để bạn có cái nhìn trước thôi. Còn thực tế thì mình sẽ xuất dữ liệu này ra dưới dạng Excel hoặc định dạng tương tự để làm việc (cụ thể thì nó có CSV hoặc Google tài liệu – mình tải CSV vì mình sẽ dùng offline, bạn nào online thì sẽ dùng Google tài liệu).

Hóa ra có vấn đề! Excel của mình không mở được file CSV này, đúng ra là mở được nhưng nó bị lỗi hiển thị, cho nên mình lại quay lại Google tài liệu.

Giờ bạn sẽ phải lọc dữ liệu, giả dụ mình muốn biết các trang có thứ hạng từ 6 – 10, mình sẽ dùng lệnh sau để lọc trong Google trang tính:

=if(E2>5;if(E2<11;TRUE;FALSE))

Trong đó E chính là cột chỉ vị trí xếp hạng, giống như hình dưới đây:

kiểm tra dữ liệu bằng lệnh

Câu lệnh trên có nghĩa là nếu đúng nó có vị trí trong khoảng 6 đến 10 thì sẽ trả về TRUE, còn không sẽ trả FALSE.

Sau khi làm xong một cột bạn kéo từ trên xuống dưới (từ cột F1 đến F1000 để nó cập nhật kết quả).

Tiếp theo chúng ta sẽ tiến hành lọc, để nó chỉ hiện thị kết quả TRUE thôi. Các bước từ 1 tới 4 như hình dưới đây:

các bước lọc dữ liệu

Kết quả:

kết quả sau khi lọc

Bạn có thể hỏi tại sao mình không lọc ngay cột vị trí, lý do vì nó có rất nhiều giá trị phẩy nên nếu bạn lọc sẽ phải click khá nhiều để bỏ chọn các dữ liệu không cần.

OK, giờ bạn đã có dữ liệu, căn cứ trên các từ khóa này, bạn có thể biết được bài mà mình cần sửa (hơi mất công một chút là bạn sẽ phải search lại theo từ khóa để biết cụ thể URL).

Vừa nãy mình có một chút nhầm lẫn, do Google Search Console chỉ cho xuất tối đa 1000 từ khóa, cho nên với những trang traffic trung bình đến cao (như trang Kiến càng ở dạng trung bình) thì chọn 1 tháng hay 90 ngày đều cho ra 1000 từ khóa. Vì thế, đối với những trang như vậy thu hẹp khoảng ngày sẽ cho nhiều dữ liệu hơn chứ không phải mở rộng ra cho nhiều dữ liệu hơn.

Nhưng phải nói lại một lần nữa là chọn số ngày cao vẫn có ưu điểm, đó là dữ liệu được tích lũy, các con số sẽ sai số ít hơn hay đúng hơn là các con số đáng tin hơn.


Chọn bài nào sửa trước

Ngay cả khi có những bài cần sửa thì bạn vẫn có khả năng lọc để chọn bài nào sửa trước, bạn sắp xếp theo số nhấp chuột, hiển thị, CTR.

Lần hiển thị chắc chắn là cái ưu tiên, vì hai thông số kia thực ra chịu ảnh hưởng bởi vị trí xếp hạng của bạn.


Cách khác dễ hơn để tìm bài viết cần sửa

Lần này mình sử dụng công cụ có phí, nhược điểm là nó không thể có dữ liệu đầy đủ như Google Search Console nhưng ưu điểm là chỉ luôn cho mình URL cần sửa cũng như ước tính nhiều thông số có ích khác.

Công cụ mình dùng là Ahrefs.

Site Expoler bạn nhập tên miền của bạn vào, sau đó nhấn vào Organic keywords:

từ khóa tự nhiên trên Google
kết quả từ khóa Ahrefs

Nó sẽ cho ra kết quả như sau:

Giờ mình sẽ lọc các từ khóa (Positon) có vị trí từ 6 – 10 và khối lượng tìm kiếm (Volume) hơn 200 (tính năng này Google Search Console không có):

lọc vị trí từ 6 đến 10
lọc khối lượng tìm kiếm

Kết quả rất rõ ràng (kèm URL, độ khó của từ khóa), và tôi có thể xuất dữ liệu ra để chỉnh sửa:

kết quả rõ ràng kèm cả bài viết

Sang phần sửa bài

Có thể bạn đã nghe kỹ thuật tạo nội dung thu hút traffic cao có tên SKYCRAPER TECHNIQUE của Brian Dean, dù có tên bóng bẩy như vậy nhưng cách làm của nó vẫn hết sức cơ bản:

  1. Tìm đọc những bài viết xếp ở vị trí đầu tiền
  2. Tìm cách sao cho chất lượng bài viết của mình còn hay hơn bài dẫn đầu

Ở đây Brian Dean còn nhấn mạnh đến việc hay hơn một cách rõ ràng, ở nhiều khía cạnh, chất lượng câu chữ, hình ảnh, thiết kế, video (nếu có), vân vân. Giống như kiểu bạn đánh knockout đối phương vậy, Google không còn lý do gì để chấm điểm đối phương cao hơn bạn, không thể có sự nhập nhằng ở đây.

Dĩ nhiên cách này chẳng dễ rồi, nó là bỏ công sức thực sự.

Mới hôm nọ mình có đọc một bài viết trên blog của HubSpot, họ nói về việc Google chuyển sang tập trung vào chủ đề chứ không chỉ từ khóa.

Để mình nói rõ hơn để tránh hiểu nhầm, từ khóa vẫn quan trọng, nhưng Google bây giờ thích các trang web có cấu trúc chủ đề mạch lạc. Trong đó có một bài viết chính phác thảo lên một chủ đề rộng, sau đó có nhiều bài viết chuyên sâu cho mỗi phần trong chủ đề rộng đó, và chúng liên kết với nhau.

2 hình dưới đây sẽ làm bạn dễ hiểu hơn (ảnh của HubSpot).

Cấu trúc bài viết cũ:

cấu trúc bài viết kiểu cũ

Cấu trúc bài viết mới:

cấu trúc bài viết kiểu mới

Tức là giờ một bài viết được viết ra không phải là chỉ liên quan đến bài viết khác không thôi, mà nó còn phải thuộc về một chủ đề mà trang web đó định xây dựng.

Back to Top