Categories SEO Tên miền

20 cách chọn tên miền hay, độc đáo và tốt cho SEO [cập nhật 2022]

cách chọn tên miền hay

Mọi ý định chinh phục thế giới mạng, dù là khởi nghiệp online hay chỉ đơn giản viết blog chia sẻ thì yêu cầu đầu tiên là chọn được tên miền hay.

Tên miền rất giống với bất động sản mà chúng ta phải bỏ tiền đi thuê, nếu chọn được vị trí đắc địa, đẹp, tiện lợi – khả năng kinh doanh thành công rất cao và ngược lại.

Nhưng trớ trêu thay (hoặc may mắn thay, tùy quan điểm của bạn), tên miền không đắt, chỉ khoảng 10 USD (xấp xỉ 240 ngàn đồng, theo tỷ giá 2022), và nhiều người có thể vì thế đã rất đại khái trong việc chọn tên miền để rồi phải hối tiếc sau này (tôi cũng từng như thế!).

Bạn có thể thắc mắc như này:

Nếu lỡ mua tên miền nào không ưng ý thì chọn cái khác thôi, có gì đâu, giá cũng rẻ mà!

Không đơn giản như thế.

Dù cho mua tên miền mới rất dễ dàng và chuyển hướng website để đảm bảo SEO không quá khó khăn, thì việc này gây ra các thiệt hại tiềm ẩn cực kỳ nghiêm trọng:

  • Ảnh hưởng đến THƯƠNG HIỆU của bạn;
  • Ảnh hưởng đến THỨ HẠNG website trên máy tìm kiếm, dù ít dù nhiều;

Và nếu trang cũ tồn tại càng lâu, việc đổi sang trang mới sẽ càng có khả năng gây ảnh hưởng xấu.

Để dễ tưởng tượng hơn, nó giống như việc bạn đổi tên của mình vậy, hàng chục thứ giấy tờ phải làm lại, và nhiều thông tin chưa thay đổi kịp sẽ mâu thuẫn nhau gây phiền toái.

Và tôi chỉ đang giả định bạn là người bình thường (cũng như tôi), nếu bạn là người nổi tiếng hoặc quan trọng, việc đó còn làm bạn chịu nhiều rắc rối hơn.

Tất cả những lời vòng vèo trên chỉ có mục đích dẫn bạn đến ý này: Hãy chọn tên miền thật cẩn thận. Và trong bài viết này tôi sẽ chia sẻ tất cả kinh nghiệm mà tôi biết cho bạn.

Lưu ý: Tất cả tên miền cụ thể được đề cập trong bài viết này có thể tồn tại thực sự hoặc chỉ là ví dụ minh họa, dù khen hay chê tôi đều không có ý định nào khác ngoài việc sử dụng nó vào mục đích giúp bạn dễ hiểu hơn, bản thân tôi cũng từng rất ngớ ngẩn khi chọn tên miền.

OK, giờ chúng ta cùng bắt đầu nhé.

Kiến thức cơ bản cần biết: sự khác nhau giữa tên miền quốc tế và tên miền quốc gia (thuật ngữ chính xác hơn của các cụm từ này sẽ được đề cập trong bài viết):

Tên miền quốc tế Tên miền quốc gia VN
Ví dụ google.com, vnexpress.net, facebook.com, wordpress.org thethao247.vn, moit.gov.vn, ftu.edu.vn
Cơ quan quản lý Tổ chức Internet Corporation for Assigned Names and Numbers (ICANN) quản lý Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC)

1. Nếu bạn đã có thương hiệu, hãy chọn luôn thương hiệu đó làm tên miền

tên miền thương hiệu
MediaMart thống nhất cả thương hiệu mặt đất lẫn tên miền, đây dĩ nhiên là lựa chọn chính xác

Đây là cách dễ và phù hợp nhất để chọn tên miền nếu bạn đã có thương hiệu.

Bản thân người dùng cũng sẽ gõ tên thương hiệu của bạn lên Google để tìm kiếm trang web, và sẽ không hay chút nào nếu bạn có tên thương hiệu chuỗi cửa hàng mặt đất khác với tên thương hiệu online.

Thử tưởng tượng công ty Apple không sở hữu tên miền apple.com thì sẽ bất tiện đến nhường nào?

Dưới đây là vài ví dụ về các thương hiệu lớn thống nhất tên cả ở hệ thống cửa hàng mặt đất lẫn tên miền khi online:

  • bigc.vn (Siêu thị Big C)
  • mediamart.vn (Siêu thị điện máy MediaMart)
  • thegioididong.com (Thế giới di động)

Ví dụ khác đơn giản hơn, nếu tôi kinh doanh sách, và đã có cửa hàng mặt đất kinh doanh được 5 năm với tên Nhà Sách Đức Anh, giờ khi online tôi có thể muốn mua tên miền nhasachducanh.com hoặc ngắn gọn hơn ducanhbook.com

Trong hai tên miền trên có một tên miền đẹp hơn cái còn lại khá nhiều, có thể bạn cũng nhận ra lý do, tôi sẽ nói thêm về điều này sau ở phần tên miền ngắn gọn và tên miền dễ gõ.

Giờ câu hỏi đặt ra cho những ai chưa có thương hiệu, tôi phải bắt đầu ý tưởng như thế nào?


2. Hãy thoải mái khi nghĩ ý tưởng tên miền

hãy thư giãn, điều đó sẽ giúp bạn chọn được tên miền tốt hơn
Trí thông minh của bạn lên cao nhất khi bạn thoải mái!

Không có quy tắc cứng nhắc khi lên ý tưởng tên miền. Dưới đây là một số bước nhiều người thường áp dụng:

  • Ghi ra các từ khóa liên quan nhất đến lĩnh vực trang web định xây dựng;
  • Ghi ra các từ đồng nghĩa hoặc gần nghĩa;
  • Ghi ra các từ có ý liên tưởng, hàm ẩn;
  • Nếu bạn nhắm đến khu vực địa lý cố định, việc thêm các địa danh vào có thể là ý hay;
  • Thêm các tiền tố hoặc hậu tố để thêm ý nghĩa cho tên miền;
  • Nhắm đến các từ hoàn toàn mới;

Để tạo ra tên miền đẹp bạn cần kết hợp các từ lại, trộn các ý tưởng với nhau, nếu bạn chỉ áp dụng một cách thì tên miền đã chọn nhiều khi bạn cứ nghĩ là hay nhưng hóa ra lại không phải vậy!

Tôi sẽ đưa ra các ví dụ dễ hiểu hơn.

Các trang web dùng luôn từ khóa liên quan nhất làm tên miền: baomoi.com (Báo mới), dictionary.com (từ điển), nhachungcu.com (nhà chung cư), dienthoai.com (Điện thoại), tulanh.com (Tủ lạnh).

Đây là các tên miền khớp chính xác từ khóa, trong một vài trường hợp thì nó ổn, thậm chí tốt nhưng đa số trường hợp nó không có lợi, chi tiết tôi sẽ bàn ở mục 3 và 4.

Các trang web sử dụng các từ có ý liên tưởng làm tên miền: cách này thường tạo ra được tên miền rất hay mà có thể không cần áp dụng thêm các bước khác. Chắc chắn đa số các bạn mới nghe đến tên miền này canhme.com (Canh Me), mặc dù từ “canh me” khi tôi thử tìm trong từ điển tiếng Việt của GS.Hoàng Phê (chủ biên) thì không có, nhưng ý của từ này nhiều người biết là: rình, chớp cơ hội.

Mục đích của trang web trên là chia sẻ coupon, mã giảm giá, khuyến mại. Những mã khuyến mại có đặc điểm là khoảng thời gian áp dụng ngắn (thường vài ngày), do vậy nếu bạn không nhanh thì sẽ hết cơ hội. Tác giả chọn tên miền canhme.com quả thực rất ý nghĩa, nó còn hay ở chỗ ngắn gọn. Điều thú vị nữa, trang web này trước đây có tên chiasecoupon.com (Chia sẻ coupon / tên miền kiểu khớp chính xác từ khóa).

Giờ đến phần rất thú vị. Hãy xem các tiền tố hoặc hậu tố giúp tạo ra tên miền tốt như thế nào:

  • Store: viettelstore.vn; linkstore.vn; thuhuongstore.com
  • Mart: mediamart.vn; bibomart.com.vnlottemart.com.vn
  • Mobile: hoanghamobile.comduchuymobile.comhappymobile.vn

Bạn có thể thấy đặc điểm chung của chúng là sự kết hợp của danh từ riêng + danh từ chung, một số ít trường hợp là kết hợp hai danh từ chung với nhau (như media và mart; hay happy và mobile).

Rất nhiều tiền tố, hậu tố sử dụng từ tiếng Anh, nhưng là các từ rất phổ biến, hầu như ai cũng hiểu nghĩa, thí dụ ngoài các từ trên còn có shop, news, web, book, blog…

Trước khi đi vào phần tiếp theo, hãy lên danh sách các tên miền bạn có thể nghĩ ra.


3. Tên miền độc đáo tốt hơn chung chung

tên miền độc đáo tốt hơn cho thương hiệu
Bạn chú ý đến chiếc ô nào, và vì sao?

Tên miền lúc này là THƯƠNG HIỆU đầu tiên và quan trọng nhất của bạn. Tên miền khác biệt giúp bạn nổi bật lên giữa rất nhiều đối thủ cạnh tranh.

Và chỉ có tên miền độc đáo mới tạo thành thương hiệu, tên miền có ý nghĩa chung chung không bao giờ có khả năng đó.

Tôi sẽ nêu vài ví dụ khá thú vị.

Chẳng hạn có một công ty bán dịch vụ hosting và họ muốn đặt tên miền của mình là dammay.com

Tên miền trên chắc chắn là sai lầm về mặt thương hiệu, vì Đám Mây là danh từ chung, nó không tạo ấn tượng đáng kể nào.

Tất nhiên lúc nào cũng có ngoại lệ, apple.com sử dụng tên miền là danh từ chung, nhưng họ lại cực kỳ thành công, thuộc nhóm công ty hàng đầu thế giới. Nhưng mấy ai được như Apple? Ngoài ra điều hết sức quan trọng cần phải nhớ: Apple đã nổi tiếng với tên thương hiệu trước khi có website. Tên miền lúc này đi theo tên thương hiệu đã có.

Ví dụ thực tế khác, Nhật Cường Mobile có tên miền từ khóa rất đẹp: dienthoaididong.com, nhìn tên miền này bạn có thể đoán ra ngay được là họ bán sản phẩm gì, nó có ích phần nào cho kinh doanh nhưng không phải là tên miền giúp tạo thương hiệu tốt vì nó rất chung chung.

Tên tốt hơn mà họ nên đặt là nhatcuong.com hoặc nhatcuongmobile.com

(Khi kiểm tra thử thì tôi thấy họ đã sở hữu tên miền nhatcuong.com, và đã trỏ nó về dienthoaididong.com, tôi cho rằng họ nên làm ngược lại sẽ tốt hơn).

Một trường hợp rất điển hình minh họa cho trường hợp này là trang web dienmayxanh.com, thuộc công ty Cổ Phần Thế Giới Di Động.

Trang web này ban đầu có tên thegioidientu.com, sau đó đổi tên thành dienmay.com vào năm 2011, rồi cuối cùng đổi tên lần nữa vào năm 2015 thành dienmayxanh.com

Tên miền dienmay.com không phải là tên miền thương hiệu và chỉ là danh từ chung, trong khi Điện Máy Xanh (dienmayxanh.com) thì lại là tên miền thương hiệu rất rõ ràng.

Còn tên miền thegioidientu.com thì sao, dường như chắc chắn nó lấy cảm hứng từ tên miền thegioididong.com, nhưng bạn có thể thấy hai tên miền thương hiệu này rất dễ nhầm lẫn với nhau, và đó cũng là điều cần tránh hết sức khi đặt tên miền.

Về mặt cá nhân tôi từng chọn tên miền chung chung là mangluoitoancau.com, sau đó vài năm mới đổi thành ducanhplus.com, rồi cuối cùng ngán cái tên tây ta lẫn lộn, tôi chuyển nó thành kiencang.net.


4. Tên miền khớp chính xác từ khóa có thể là con dao hai lưỡi

tên miền khớp chính xác có thể bị xem là củ chuối!
Tên miền khớp chính xác nhiều khi khá củ chuối!

Ở mục 2 đã nói qua câu chuyện này. Tên miền có từ khóa được chia làm hai kiểu, tên miền khớp chính xác hoàn toàn từ khóa (exact-match domain / EMD) và tên miền khớp chính xác một phần từ khóa (partial match domain / PMD).

Loại thứ hai sẽ bàn ở phần kế, ta sẽ bàn loại đầu trước.

Ví dụ nếu bạn bán xe đạp điện, thì tên miền có từ khóa khớp chính xác hoàn toàn là tên miền kiểu như xedapdien.com hoặc xedapdien.vn

Tên miền khớp chính xác hoàn toàn từ khóa thường rơi vào nhóm tên miền chung chung, dĩ nhiên như đã nói ở mục 3, nó không mạnh về mặt THƯƠNG HIỆU.

Những người mới làm SEO rất thích tên miền khớp chính xác từ khóa, bởi vì có một thời dài, các máy tìm kiếm, đặc biệt là Google rất ưu ái dạng tên miền này.

Thời điểm đó bạn chỉ cần chọn được tên miền khớp chính xác từ khóa, thì khả năng lên top đầu rất cao dù nội dung hoặc backlink không có gì đặc biệt.

Giờ mọi chuyện đã thay đổi rồi.

Vào năm 2012, Matt Cutts, cựu trưởng nhóm chống web spam tại Google tiết lộ:

tên miền khớp chính xác từ khóa không được coi trọng nữa

Đại ý rằng tên miền khớp chính xác từ khóa không còn được coi trọng như trước đây trên kết quả tìm kiếm nữa (họ gọi nó là EMD update).

Vậy nếu bạn thực sự muốn làm thương hiệu, hãy tránh xa tên miền khớp chính xác từ khóa.

Câu hỏi lúc này có thể bạn đang thắc mắc:

Vậy tại sao tên miền khớp chính xác từ khóa vẫn được mua rất nhiều, và thậm chí còn kinh doanh khá thành công?

Nếu bạn chỉ muốn kinh doanh thuần túy, cốt có lợi nhuận thì tên miền khớp chính xác từ khóa vẫn có tác dụng, đặc biệt là các loại hình kinh doanh không đặt trọng tâm vào thương hiệu.

Đó là các kiểu kinh doanh nào?

Những sản phẩm hoặc dịch vụ cả đời người có thể chỉ dùng vài lần, thậm chí một lần, thí dụ như sửa khóa cửa, mua sạc laptop mới, sơn sửa nhà.

Thí dụ khi tôi tra từ khóa “sửa khóa hà nội” trên Google, tất cả tên miền thuộc top đầu đều là tên miền chung chung, hướng đến việc khớp chính xác một từ khóa cụ thể nào đó:

sửa khóa hà nội
  1. thợ khóa hà nội
  2. sửa khóa hà nội 24/7
  3. sửa khóa toàn quốc
  4. sửa khóa uy tín
  5. sửa khóa giá rẻ

Tôi muốn nhắc lại lần nữa, hãy chọn tên miền thương hiệu nếu muốn làm ăn lớn và lâu dài, vì tên miền khớp chính xác từ khóa dù có lợi nhưng không phải là cái có lợi cao nhất mà bạn có khả năng đạt được.

Giờ chúng ta bàn đến từ khóa khớp chính xác một phần.


5. Tên miền chứa một phần từ khóa thường có ích

tên miền mà chứa một phần từ khóa thường ổn

Khi tôi thử tra từ khóa mua điện thoại Samsung, cốt để tìm ra những website bán điện thoại, kết quả:

tên miền khớp chính xác một phần từ khóa

Vậy là 5 kết quả đầu có thegioididong, cellphones, hnammobile là tên miền có chứa từ khóa liên quan đến di động.

Nửa còn lại tôi không chụp được màn hình còn có duchuymobile và mobilecity.

Bạn có thể thấy tên miền có chứa một phần từ khóa rất phổ biến, và nó có ích, bởi vì kiểu tên miền này đảm bảo được 2 yêu cầu:

  • Vẫn có thương hiệu nhờ gắn tên khác bên cạnh từ khóa;
  • Đảm bảo với người truy cập rằng trang này tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ hoặc bất cứ điều gì khác mà họ đang tìm kiếm;

Một cách rất phổ biến để làm điều này cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là ghép tên của bạn + sản phẩm/dịch vụ cung cấp.

Lưu ý là tên miền có chứa một phần từ khóa với tên miền sử dụng hậu tố, tiền tố không trùng khớp nhau, thí dụ bibomart.com.vn (chuyên bán đồ cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ) là tên miền sử dụng hậu tố mart kết hợp với từ có ý liên tưởng đến trẻ nhỏ bibo.


6. Bắt chước ý tưởng tên miền khác thì có thể nhưng đừng gây nhầm lẫn thương hiệu

sao chép cần có sáng tạo

Nếu tôi bán sách online và thấy các đối thủ tiềm năng của mình có tên như vinabook, pibook, anybooks, nhasachphuongnam, bookbuy thì tôi có thể bắt chước ý tưởng đặt tên là ducanhbook chẳng hạn.

Nó không phải là tên miền quá hay nhưng đủ dùng. Nói chung bắt chước có giới hạn thường không hại gì cả và giúp bạn có được chọn lựa ổn mà không quá mất công.

Tuy nhiên nếu bạn định đặt tên để gây nhầm lẫn, chẳng hạn cố tình đánh lừa người dùng bằng tên vinabookk thì đây lại là điều cần tránh hoàn toàn. Hoặc nếu bạn không liên quan gì đến FPT và đang bán điện thoại thì đừng đặt tên miền kiểu FPTphone.vn hoặc FPTmobile.vn, mọi người có thể nghĩ đây là website bán điện thoại của FPT trong khi thực tế thì không.

Nó làm người mua nổi giận nếu họ phát hiện ra. Nó cũng có khả năng rất cao dẫn đến việc bạn bị kiện vì sử dụng tên miền nhái của thương hiệu lớn.


7. Ưu tiên lựa chọn tên miền đuôi .com

tên miền .com nên là ưu tiên hàng đầu
.com thường kiếm cơm tốt hơn!

Có nhiều thống kê về tỷ lệ đuôi của các loại tên miền, các con số khác nhau còn tùy theo phương pháp nghiên cứu nhưng tên miền .com vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm.

Chẳng hạn nghiên cứu dựa trên 10 triệu tên miền phổ biến nhất (theo lưu lượng truy cập của Alexa) do W3Techs tiến hành cho kết quả như sau (tôi chỉ chụp được một phần màn hình, bạn muốn xem tiếp hãy truy cập link bên trên):

thống kê tỷ lệ đuôi tên miền

Còn thống kê của Registrar Stats dựa trên tất cả các domain được đăng ký cho thấy 75% tên miền thuộc về .com, tiếp đến là .net và .org:

so sánh các đuôi tên miền khác nhau

Lời khuyên ở đây rất dễ hiểu: Chọn tên miền .com trước tiên, trường hợp nó đã bị người khác đăng ký hãy chọn tên miền .net hoặc .org thay thế.

Lựa chọn khác cũng rất có hiệu quả là mua tên miền cấp quốc gia, chẳng hạn với Việt Nam, hai đuôi tên miền phổ biến được rất nhiều thương hiệu lớn chọn là .vn hoặc .com.vn

Với sự mở rộng về mặt hình thức của tên miền cấp cao nhất, thí dụ như .vet .ink .co .tv .shop .me .live .life .club .online .pro vân vân, tạo ra vô vàn cơ hội sở hữu tên miền, tuy nhiên bạn cần hết sức thận trọng khi chọn các đuôi này vì đa số người dùng vẫn còn lạ lẫm với chúng, và họ có thể cảm thấy đắn đo có nên click vào hay không.

rất nhiều đuôi tên miền lạ
Có rất nhiều đuôi cho tên miền ducanhplus, nhưng dĩ nhiên tôi ưu tiên chọn tên miền .com

Thêm một lý do nữa để dùng tên miền .com, hãy xem hình chụp màn hình điện thoại của tôi dưới đây, nó có sẵn nút .com dành riêng cho việc gõ tên miền phổ biến này nhanh hơn:

bàn phím điện thoại

Trong một sự liều lĩnh đi ngược quy tắc này, tôi đã tạo một website về tối ưu tốc độ với tên miền là speed.family! Nó phát triển ổn, và có các ưu điểm khác bù vào việc không có đuôi phổ biến.


8. Đừng sợ tên miền không có ý nghĩa

đừng sợ tên miền không có ý nghĩa
Bạn có biết hình này có ý nghĩa gì không? Tôi cũng chẳng biết đâu, nhưng bạn hoàn toàn có thể cấp nghĩa mới cho nó! Đó là điều hay với những thứ ban đầu vô nghĩa.

Tên miền có thể có ý nghĩa rất rõ ràng cho người dùng trong trường hợp nó sử dụng khớp từ khóa chính xác một phần (hoặc toàn phần). Có rất nhiều tên miền thành công khi áp dụng cách đó. Cả các công ty nhỏ lẫn công ty toàn cầu (ví dụ Gmail hay Hotmail có ý nghĩa khá rõ đúng không ạ?).

Nhưng cũng có nhiều tên miền hàng đầu thế giới, lúc mới nhìn thấy nó, bạn sẽ không biết có mục đích gì, ngay cả khi biết nghĩa tiếng Anh của từng từ bên trong (nếu có). Chẳng hạn:

  • Google
  • Bing
  • YouTube
  • Amazon
  • Alibaba
  • Wikipedia
  • Facebook
  • Yahoo

Cơ hội thành công dành cho cả hai. Do vậy nếu bạn dự định mua tên miền có nghĩa hoàn toàn mới thì cũng đừng quá sợ hãi. Chỉ cần để ý đến những phần được nhắc đến bên dưới đây, vì các tên miền hiệu quả (trong đó có những tên miền top đầu) thường đạt được các tiêu chuẩn đó.

Lưu ý nhỏ thôi: nhiều người nói rằng tên miền có từ hoàn toàn mới thường sẽ tốn chi phí marketing cao hơn nếu muốn định vị thương hiệu so với các tên miền có từ khóa cho thấy nó dự định cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ gì. Do vậy tất nhiên sẽ an toàn hơn khi bạn chọn tên miền chứa một phần từ khóa hoặc tên miền có nghĩa hàm ẩn.


9. Tên miền dễ nhớ cực kỳ quan trọng

tên miền cần dễ nhớ

Chắc chắn rồi đúng không ạ, tên miền của bạn cần dễ ghi nhớ. Dù ai đó muốn truy cập nó, hay trò chuyện với bạn bè của họ thì điều kiện tiên quyết là họ cần nhớ được nó đã.

Hãy thử một ví dụ về tên miền cực đoan như thế này (mà tôi chắc chắn chẳng ai muốn mua hoặc đã mua nó): gjiokjolkofjk.com

Liệu có bao nhiêu người nhớ nổi nó và tìm được nó thông qua máy tìm kiếm?

Tên miền dễ nhớ liên quan đến hàng loạt các thuộc tính liên quan khác mà tôi sẽ nói ngay sau đây:

  • Ngắn gọn;
  • Dễ gõ;
  • Dễ phát âm;

10. Tên miền càng ngắn gọn càng tốt

tên miền ngắn gọn sẽ tốt cho bạn hơn

Cái này chắc chắn không cần phải tranh cãi, tên miền ngắn gọn tạo thuận lợi trong hai khía cạnh vô cùng quan trọng:

  • Dễ nhớ hơn;
  • Gõ nhanh hơn;

Từng có nghiên cứu tính toán độ dài tên miền của các trang web phổ biến nhất thế giới (độ phổ biến tính theo lưu lượng truy cập), kết quả như sau:

độ dài tên miền của các trang web phổ biến nhất thế giới
  • Top 5 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.0
  • Top 10 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.1
  • Top 25 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.0
  • Top 50 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.0
  • Top 100 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.2
  • Top 250 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.4
  • Top 500 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 6.8
  • Top 1,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 7.0
  • Top 5,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 7.7
  • Top 10,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 8.0
  • Top 25,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 8.4
  • Top 50,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 8.7
  • Top 100,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 9.1
  • Top 250,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 9.5
  • Top 500,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 9.8
  • Top 1,000,000 Websites phổ biến nhất
    Độ dài tên miền trung bình = 10.1

Rõ ràng các trang top đầu có tên miền ngắn nhất, và các trang có thứ hạng thấp hơn có độ dài lớn hơn.

Tôi thực hiện khảo cứu nhỏ, dựa trên thông tin của Similarweb về các trang web hàng đầu Việt Nam, đây là vài cái tên trong top 20 (tôi chủ động loại các trang quốc tế như facebook, google, youtube trong danh sách này để xem đặc thù quốc gia thế nào):

  • zing.vn
  • vnexpress.net
  • 24h.com.vn
  • kenh14.vn
  • baomoi.com
  • dantri.com.vn
  • phimmoi.net

Trung bình khoảng 6 ký tự.

Khảo sát tiếp theo cũng vui không kém.

Chính máy tìm kiếm là một trong các tên miền được gõ trực tiếp lên trình duyệt nhiều nhất, hãy xem độ dài tên miền của chúng (thứ tự dưới đây sắp xếp theo thị phần tìm kiếm):

1) Google

2) Bing

3) Yahoo

4) Baidu

5) Ask

6) AOL

7) Excite

Độ dài trung bình chỉ có 4,4 ký tự.

Nếu bạn muốn biết có tên miền dài “kinh khủng khiếp” nào đang thực sự tồn tại không, thì nó đây: Số PI

PS: hiện nay với việc mở rộng các đuôi tên miền, bạn dễ dàng có được các tên miền rất ngắn gọn mà giá không cao. Tuy nhiên nhược điểm của các đuôi hiếm gặp là chúng có thể dẫn đến việc website sẽ kém phổ biến đi.

Bonus: những công cụ hữu dụng liên quan đến tên miền

Quà tặng cho những ai đọc đến 50% bài viết dài như thế này!


11. Chọn tên miền dễ gõ

tên miền cần dễ gõ

Bạn không nên nhầm lẫn giữa tên miền ngắn gọn và tên miền dễ gõ, mặc dù đúng là các tên miền ngắn gọn thường dễ gõ hơn, nhưng hai đặc tính này không trùng nhau hoàn toàn.

Có nhiều tên miền ngắn gọn nhưng không dễ gõ và ngược lại, dài nhưng lại gõ dễ.

Hãy xem xét tên miền sau: keosigo.vn (Kẹo Sigo)

Tên miền này khá ngắn gọn, chỉ có 7 ký tự, tưởng dễ gõ nhưng khi bạn thử thao tác trên thanh địa chỉ trình duyệt sẽ xảy ra hiện tượng như keéoigo, kéoigo hoặc kkeosigo.vn

Cập nhật: hiện các phiên bản mới của một số trình gõ tiếng Việt, ví dụ như Unikey đã khắc phục được hiện tượng này. Giờ bạn thậm chí gõ tên miền có dấu cũng không bị lỗi nữa.

Có hiện tượng kỳ lạ này là do phần lớn các máy tính ở Việt Nam đều cài trình gõ tiếng Việt (thí dụ như UniKey, VietKey), và gõ ký tự “s” sau khi gõ “keo” sẽ tương đương với dấu sắc và làm tên bị sai như trên.

Tôi từng nói nửa đùa nửa thật là Unikey đã làm hỏng mất không biết bao nhiêu tên miền hay.

Ví dụ khác: vnexpress.net

Trang web này thuộc nhóm các báo điện tử phổ biến nhất Việt Nam, tên miền của nó có ý nghĩa và khá ngắn gọn nhưng không không phải từ thuần Việt và hơi khó phát âm nên khó nhớ và không dễ gõ, đặc biệt với những người không quen tiếng Anh.

Ví dụ tiếp: vietnamnet.vn

Đây không phải tên miền ngắn, nó có độ dài trung bình, nhưng lại dễ gõ cũng như dễ nhớ.


12. Tên miền cần dễ đọc, dễ phát âm

chọn tên miền dễ phát âm

Tên miền dễ đọc có ba tác dụng vô cùng quan trọng:

  • Dễ gợi nhớ hơn;
  • Thường dễ gõ;
  • Dễ truyền miệng;

Do đặc thù của tiếng Việt là chữ ghi âm, nên thường đã là tên có ý nghĩa là sẽ dễ đọc. Trường hợp khó đọc, khó phát âm hay xảy ra do:

  1. Bạn sử dụng ngoại ngữ làm một phần tên miền hoặc toàn bộ tên miền như ví dụ về vnexpress.net
  2. Bạn sử dụng các từ dễ nhầm lẫn chính tả hoặc các âm quá khó đọc khi đặt cạnh nhau.

Trường hợp đầu tiên thì hay xảy ra hơn.

Hãy xem tên miền này: elle.vn

Nó thuộc nhóm tên miền vô cùng ngắn gọn, dễ gõ, nhưng khó phát âm để người khác chỉ cần nghe là biết chính xác tên miền như thế nào.

Tất nhiên vì Elle là thương hiệu tạp chí lâu đời có nguồn gốc từ Pháp nên không có chuyện họ sẽ đổi tên miền chỉ vì nó khó phát âm, và thực tế điều này cũng không nên.

Ví dụ nữa: esquirevietnam.com.vn

Tạp chí đàn ông phiên bản Việt này có tên miền gồm nhiều yếu tố không thuận lợi:

  • Dài (có đến 15 ký tự);
  • Khó phát âm (từ esqurie), dẫn đến hệ quả khó nhớ;
  • Khó gõ (vì có từ s sau từ e, tạo thành dấu sắc). Dĩ nhiên khó nhớ cũng làm việc gõ càng khó khăn hơn;

Kết luận ở đây là bạn phải thận trọng khi đưa từ ngoại quốc vào tên miền dành cho người Việt.


13. Lưu ý khi sử dụng số hoặc ký tự gạch giữa trong tên miền

lưu ý về các con số trong tên miền

Số và ký tự gạch giữa (gạch ngang, gạch nối) rất dễ gây nhầm lẫn nên hãy cực kỳ thận trọng nếu bạn muốn tên miền có chứa chúng.

Chẳng hạn khi ai đó nói như thế này:

Vào trang web ba giờ chấm com chấm vn ấy, nhiều cái hay lắm.

Một số người sẽ không biết nên dùng số dạng chữ viết hay số dạng toán học, tức là không rõ trang web là 3gio.com.vn hay bagio.com.vn

Nói đi cũng phải nói lại, không phải lúc nào tên miền có số cũng tệ. Chẳng hạn các trang web sau đều thuộc nhóm top đầu Việt Nam về lượng truy cập:

  • 24h.com.vn
  • kenh14.vn
  • 2banh.vn
  • thethao247.vn

Sở dĩ có điều này do thói quen sử dụng số toán học trong cách viết của một vài kiểu số nhất định cũng như việc ghi nhớ dễ dàng cách viết mà người dùng thấy hợp lý.

  • Do tính ngắn gọn nên một khi người dùng thấy tên miền kenh14.vn họ sẽ nhớ theo kiểu dùng số toán học chứ không lưu giữ thông tin theo kiểu kênh mười bốn (kenhmuoibon.vn)
  • 24h là cách viết phổ biến hơn nhiều hai tư giờ hoặc hai tư h (haitugio.com.vn)
  • 247 cũng là cách viết hợp lý hơn nhiều hai tư trên bảy (không ai thấy hợp lý với tên miền thethaohaitutrenbay.vn cả)

Tôi đã thử tìm hiểu cách sử dụng số trong top 100 ngàn tên miền hàng đầu thế giới theo Alexa, và kết quả cho thấy các trang sử dụng số không phải là hiếm, có đến 8% trang dùng. Và có một vài con số phổ biến hơn hẳn các số khác, chẳng hạn như số 2, 3, 24, 365, 360, vân vân.

Để so sánh tiếp đặc thù của Việt Nam, tôi tìm hiểu cách sử dụng số trong tên miền .vn của hơn 7000 tên miền có số. Các kết quả có nhiều điểm tương đồng cũng như không ít khác biệt so với cách dùng số của các tên miền toàn cầu nói chung.

Còn ví dụ về ký tự gạch ngang, thử tưởng tượng tên miền của tôi là kien-cang.net chứ không phải là dạng viết liền kiencang.net. Bạn nghĩ có bao nhiêu phần trăm sẽ gõ đúng tên miền kien-cang.net khi nghe ai đó giới thiệu, chưa kể sự khó chịu không cần thiết của việc gõ thêm dấu gạch nối.

Tuy nhiên một lần nữa, trong khi tìm hiểu 1 triệu trang web hàng đầu thế giới, tôi nhận thấy có đến 10% tên miền có dấu gạch ngang, đây không phải con số nhỏ chút nào.

Một tên miền có dấu mà tôi thấy rất thành công là css-tricks.com, dù sao thì có bột mới gột lên hồ, chất lượng của trang đủ làm mờ đi vấn đề có dấu – trong tên miền.


14. Chọn tên miền có hình thái đẹp

đẹp bao giờ cũng tốt hơn!

Tên miền được viết liền mạch, nên có khả năng xảy ra một vấn đề đó là bạn có thể bị nhầm lẫn trong việc phân cách các từ với nhau.

Ví dụ, tôi bán áo cưới, và cửa hàng có tên Áo Cưới Đức Anh chẳng hạn, tên này hoàn toàn ổn và là cách đặt tên thông thường.

Tuy nhiên tên miền aocuoiducanh.com không được đẹp về mặt hình thái vì sự phân chia giữa aocuoi không dễ dàng, lý do là vì có rất nhiều từ tiếng Việt có từ oc

Nếu ví dụ trên chưa dễ hiểu, hãy xem tên miền sau: nhacoongvuong.com

Bạn đoán tên thực của nó là gì?

Nếu bạn chưa đoán ra, tên thực của tên miền trên là Nhà Cổ Ông Vượng.

Tên này không khó nhớ, dễ phát âm, gõ cũng không khó, dĩ nhiên không ngắn nhưng cũng không quá dài, nhưng đây lại là tên miền không được đẹp, nếu không muốn nói là trông khá xấu.

Lý do hiển nhiên, nó dễ gây nhầm lẫn khi mới nhìn lần đầu, và dù bạn khi đã biết rõ ý nghĩa của nó rồi thì khi nhìn vào cũng thấy khó chịu khi muốn diễn dịch vì sự phân cách không rõ ràng giữa các từ: nha co ong khi ở sát cạnh nhau dễ bị nhầm thành nhac coong hoặc nha coong


15. Thử hỏi người xung quanh về tên miền của bạn

trao đổi ý tưởng với người xung quanh sẽ rất có ích cho bạn

Nhưng nhớ đó phải là người cực kỳ thân thiết, vì nếu ai đó tham lam họ có thể nhờ thế mà nhanh tay mua trước, và ăn cướp luôn tên miền của bạn!!!

Tại sao hỏi người khác lại quan trọng như vậy?

Bởi vì bạn sẽ thấy, nghe được những điều mà nếu chỉ có bản thân bạn thì sẽ không bao giờ biết được. Mỗi người đều bị kiến thức của riêng mình đóng khung tầm nhìn.

Người khác có thể chỉ ra những sai lầm ngớ ngẩn của tên miền như có ý nghĩa không hay về thuần phong mỹ tục, phạm húy, vân vân.

Họ cũng có thể gợi ý những tên miền mới cực kỳ thú vị.

Cứ thử mà xem!


16. Việc chọn mua nhiều đuôi tên miền cùng lúc thường không cần thiết

mua nhiều đuôi khác nhau thường không cần thiết

Apple sở hữu đồng loạt các tên miền như apple.net, apple.us, apple.co.uk, apple.tv, apple.me (có thể còn rất nhiều tên miền nữa mà tôi chưa biết), và họ đều chuyển hướng đến tên miền chính apple.com – nhưng bạn cần nhớ Apple là công ty rất lớn, việc bỏ ra cả vài ngàn USD duy trì số tên miền đó hàng năm chỉ như mua cốc trà đá đối với chúng ta.

Trong các bài viết tôi tham khảo trước khi viết bài này, chỉ có Godaddy là khuyên bạn nên mua nhiều đuôi tên miền khác nhau để bảo vệ thương hiệu, thậm chí họ còn khuyên bạn mua các biến thể sai chính tả của tên miền – nhưng Godaddy là công ty bán tên miền, lời khuyên này không hẳn là sai nhưng rõ ràng là có ý đồ bán hàng.

Với đa số trường hợp các cá nhân, công ty nhỏ lẻ mua tên miền .com là đủ.

Với các công ty muốn bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam, có thể mua thêm tên miền .com.vn và .vn; Sự thực trong một tìm hiểu của tôi về tên miền của top 100 doanh nghiệp tư nhân hàng đầu Việt Nam, tình trạng bị đầu cơ diễn ra phổ biến.

Tùy vào lĩnh vực cụ thể có thể mua thêm đuôi có ý nghĩa tương ứng, nhưng cũng nên cân nhắc có đáng không (chẳng hạn làm giáo dục thì có thể tính đến việc mua thêm đuôi .edu).

Nếu bạn là người quá cẩn thận, cùng lắm mua thêm .net và .org

Các đuôi khác, ít nhất tại thời điểm này khi bạn mới khởi động kinh doanh không có gì quan trọng.


17. Có nên mua tên miền premium hay không?

Cao cấp không hẳn đã tốt
Xì gà chắc gì đã hơn thuốc lào!

Tên miền premium là những tên miền đã được sở hữu bởi các tổ chức hoặc cá nhân khác, có thể vì họ ngẫu nhiên có được chúng nhưng thường thì do mục đích đầu cơ để bán lại kiếm lời.

Đặc điểm chung của kiểu tên miền này là chúng rất đẹp (theo nhiều tiêu chí khác nhau), nhiều người muốn sở hữu, vì thế giá của nó có thể từ vài trăm cho đến cả ngàn hay vài chục ngàn USD, thậm chí có giá trên trời. Nếu bạn tò mò, tôi có liệt kê ở đây 100 tên miền đắt nhất thế giới, cái đứng cuối trong danh sách cũng 800 ngàn đô.

Ví dụ như tên miền vietnamnews.com đang được rao bán trên sedo, nếu bạn muốn mua, phải có từ 1 triệu USD trở lên nhé!

Trong quá trình tìm kiếm tên miền, rất có thể bạn gặp phải các tên miền kiểu như trên.

Câu hỏi là có nên mua nó hay không? Chẳng hạn tên miền premium nào đó chỉ có giá tầm vài trăm USD thôi chẳng hạn, hoặc bất cứ giá nào mà bạn có thể chi trả được.

KHÔNG có câu trả lời chắc chắn nào cả.

Cá nhân tôi không bao giờ mua các tên miền premium, nhưng đó là vì tôi cảm thấy không đáng để bỏ ra vài chục triệu đồng. Nếu bạn cảm thấy tên miền đó đáng, thì việc mua lại cũng không phải vấn đề gì.

Nhưng để bảo về quan điểm của mình, câu chốt cho phần này là: lúc nào bạn cũng có thể tìm được tên miền khác thay thế cho tên miền premium.


18. Nếu bạn mua tên miền để làm blog cá nhân hãy chọn luôn tên riêng của mình

chọn tên riêng làm tên miền cũng thường rất ổn

Điều này dễ hiểu thôi, nếu tên của bạn là Thu Hương hãy chọn luôn tên miền thuhuong.com. Mặc dù hiện có đuôi có tên .blog, tôi nghĩ tên miền kiểu thuhuong.blog không phải tốt lắm, ít nhất ở thời điểm này.

Biện pháp dùng tên riêng là cách thức đặt tên phổ biến chung cho blog cá nhân, không chỉ riêng tại Việt Nam mà thế giới cũng thường áp dụng. Chọn tên miền là tên riêng còn có ưu điểm là tạo ra được độ tin cậy cao, nhất là với những ai kinh doanh nhỏ.

Dĩ nhiên nếu bạn có tên phổ biến (tức là nhiều người trùng tên), khả năng có được tên miền theo tên riêng không còn cao nữa, chẳng hạn tôi không thể đăng ký được tên miền ducanh.com

Lúc ấy hãy thêm các tiền tố hoặc hậu tố khác mà bạn thấy hay, chẳng hạn thêm tiền tố blog để có tên miền blogthuhuong.com

Còn vấn đề khác có thể xảy ra. Tên của bạn có thể khó phát âm hoặc bạn thấy không đẹp.

Lúc ấy hãy chọn nickname, tên thân mật hoặc thậm chí nghĩ tên mới (nếu bạn để ý có rất nhiều nhà văn chọn tên khác có ý nghĩa hoặc đẹp hơn hẳn tên thực của họ – người ta gọi tên đó là nghệ danh).


19. Đảm bảo tên tương ứng trên các mạng xã hội lớn vẫn còn

còn tên tương ứng trên các mạng xã hội
Tên trên mạng xã hội tương ứng với tên miền cũng rất quan trọng

Câu chuyện chọn tên miền không còn chỉ là trò chơi cho mỗi bản thân nó, ngay cả khi bạn có được tên miền ưng ý mà tên tương ứng trên các mạng xã hội lớn bị người khác lấy mất thì đôi khi điều đó có thể không tốt sau này, đặc biệt nếu mạng xã hội đấy đóng vai trò quan trọng khi tương tác với “khách hàng” của bạn.

Ví dụ ở Việt Nam, Facebook rất có ý nghĩa, bạn hãy thử check xem tên miền tương ứng có còn hay không. Hoặc bất cứ mạng xã hội nào bạn cho là quan trọng (YouTube, Instagram, TikTok, vân vân).

Giả dụ tôi đã kịp đăng ký tên tương ứng cho fanpage của website này tại địa chỉ: facebook.com/ducanhplus

Dù gì thì tên miền vẫn quan trọng hơn, nên nếu tên trên không còn, tôi có thể đăng ký tên khác, chẳng hạn: facebook.com/ducanhplus.com hoặc thậm chí facebook.com/ducanhplusfan

Rất hiếm trường hợp tên trên mạng xã hội quan trọng đến mức vì nó đã bị lấy mất mà bạn phải đổi sang tên miền khác.

Công cụ để bạn dễ dàng kiểm tra tên trên nhiều mạng xã hội cùng một lúc là KnowEm.

Tôi vừa thử tên có khả năng bị đăng ký hết rồi xem sao (tôi thử từ khóa hanoi), kết quả đúng như dự đoán (những cái mờ là đã bị đăng ký mất):

tên trên mạng xã hội

20. Đừng vội vã trong việc mua tên miền

mua tên miền cứ chậm rãi như bạn ốc sên này thôi!
Mua tên miền cứ chậm rãi như bạn ốc sên này thôi!

Nhiều người thường nghĩ ra ý tưởng tên miền trong vài phút, hoặc vài giờ rồi bật dậy mua tên miền đó ngay lập tức vì cho rằng nó là tên cực kỳ hấp dẫn.

Thậm chí họ còn đăng ký nó dài hạn, 3 năm, 5 năm hay có khi 10 năm.

Để rồi để nó đấy mà không bao giờ dùng cả. Ối trời ơi, tôi có vài tên miền như thế!

Chuyện mua tên miền gấp gáp đôi khi tốt, đôi khi xấu, nhưng thường là xấu.

Tại sao?

Vì các tên miền mua vội vã hay ở trong tình cảnh này:

  • Không phải là tên miền hay nhất, vài hôm sau bạn nghĩ được tên miền hay hơn, lúc này bạn định làm gì với tên miền cũ và có mua cái mới không?
  • Ý định đằng sau tên miền đó thay đổi. Hôm trước mong muốn sôi sục của bạn là bán giày nam công sở, giờ bạn lại thích cà vạt nam, giờ tên miền về giày nam tính thế nào?

Đó là lý do bạn hãy giãn ra vài ngày hoặc chờ đợi đến lúc nào cảm thấy thực sự tự tin rồi hãy quyết mua. Mua ngay khi mới có ý tưởng giống như chơi xổ số vậy, cơ hội trúng độc đắc thì cực kỳ hiếm mà khả năng phí tiền thì gần như chắc chắn.

Comments are closed.

Back to Top