Categories Content marketing

Làm thế nào để không vi phạm bản quyền liên quan đến hình ảnh

dandelion

Trong vấn đề bản quyền, rất dễ há miệng mắc quai, nếu không để ý. Nghĩa là hầu hết ta áp dụng tiêu chuẩn kép rất tinh quái nhưng không thông minh gì cho lắm (có cả tôi nữa!):

  • Ta sẽ sồn sồn nếu ai vi phạm bản quyền của ta;
  • Nhưng bản thân thì có vô vàn lý do cho việc vi phạm bản quyền của người khác;

Hôm nay tôi sẽ bắt đầu bằng một vấn đề mà rất nhiều người quản trị web, người làm nội dung, các nhà thiết kế, blogger…hay mắc phải đó là vi phạm bản quyền liên quan đến hình ảnh.

Hình ảnh là thứ rất dễ lấy nhưng không dễ để làm ra nếu bạn cứ gò bó về ý tưởng hình minh hoạ.

Nếu bạn cần một bài viết về thủ đô Paris của Pháp, thì có thể không khó khăn lắm, chẳng cần đặt chân đến đó bạn sẽ có một bài viết tổng hợp dùng được cho người đọc, nhưng ảnh thì sao ???

Dĩ nhiên bạn không thể bay sang Pháp để chụp rồi, trừ khi bạn là người rất có điều kiện.

Trong tình huống đấy đa phần mọi người sẽ sa ngã vào con đường vi phạm (dĩ nhiên tôi đã từng!) – vì vi phạm thì nhàn rỗi hơn nhiều, chỉ cần Google là xong.

Xem thêm: 9 cách tối ưu ảnh cho WordPress

Vậy có giải pháp nào thay thế không?

Tôi đề ra 3 giải pháp:

  • Tự làm ảnh cho bản thân.
  • Tìm kho ảnh miễn phí.
  • Mua ảnh.

1. Tự làm ảnh cho bản thân

Thứ nhất, liệu thực sự có bức ảnh nào đó bạn không thể chụp, tự làm được không? Có và Không.

Trong ví dụ về nước Pháp, điều đó quả thực là rất khó khăn để có ảnh bạn tự chụp, nhưng trong nhiều trường hợp khác thì vấn đề không phức tạp như vậy. Những đồ vật xung quanh đều rất dễ chụp, cảnh người, đường phố, bầu trời, thực vật,…bạn đều tự chụp được ngay cả với điện thoại thông minh thông thường.

Điều nữa cần phải lưu tâm: ảnh là để minh hoạ, trình bày ý tưởng, và nó không cần phải theo phong cách tả thực 100% – nghĩa là bạn đang nói về vấn đề A, nhưng ảnh của bạn là về việc B, điều đó giúp bạn dễ tìm ảnh cho bản thân hơn.

Ảnh không phải lúc nào cũng là ảnh chụp bằng máy ảnh hay điện thoại, nó có thể là ảnh chụp màn hình, nó có thể là ảnh bạn ký hoạ bằng phần mềm nào đó…

Điều quan trọng nhất trong phần này: đừng tự hạ thấp khả năng của bạn.

PS: ngay cả với người không chuyên, bạn có thể dễ dàng tạo ra các ảnh độc đáo nhờ công cụ Canva miễn phí. Ví dụ khi tôi thử nghịch một lúc:

Ảnh tạo từ Canva

2. Kho ảnh miễn phí

Miễn phí thực sự, theo mong muốn của người chụp, có những kho ảnh như thế cho bạn tự do chọn lựa.

Có nhiều kho ảnh như thế không, nó có nhiều ảnh không?

Thực sự là có rất nhiều, tất nhiên tìm được bức ảnh hoàn toàn ưng í có thể không dễ nhưng bạn sẽ thấy ảnh mình tìm được sẽ thú vị hơn như để bù lại cho những khó khăn của bạn.

Ảnh trên mạng thường theo mẫu định sẵn, bạn sẽ thấy nó na ná nhau, còn ảnh tự tìm thường có nét độc đáo riêng.

Có ràng buộc nào không khi tôi sử dụng các bức ảnh này?

Nó là miễn phí thực theo nghĩa bạn không phải trả bất cứ chi phí quy ra tiền nào cho người sở hữu, nhưng cũng có thể có một số ràng buộc như:

  • Bạn phải dẫn tên tác giả bức ảnh chụp để ghi công (điều này thường không vấn đề gì nhỉ);
  • Hoặc được dùng cho mục đích cá nhân, vô tư nhưng không được phép khi sử dụng cho mục đích thương mại (cho trang bán hàng, cho website kiếm tiền bằng quảng cáo như adsense chẳng hạn…);

Những bạn nào kinh doanh đừng quá lo, số lượng ảnh dành cho mục đích thương mại cũng có rất nhiều.

Khi sử dụng các kho ảnh miễn phí, quyền và trách nhiệm của bạn sẽ được cung cấp đầy đủ và họ hay dùng các quy định mà tổ chức creativecommons.org đưa ra.

Một trong những quyền – nghĩa vụ thoải mái nhất được cấp là CCO – khi ấy thực tế là bạn toàn quyền sử dụng ảnh, chỉnh sửa, phân phối mà không có nghĩa vụ nào đặc biệt, cụ thể:

  • Miễn phí cho sử dụng ngay cả thương mại;
  • Thậm chí không có yêu cầu ghi công (tức là không cần dẫn nguồn, bạn nào quá lo về SEO có thể thích đặc tính này);

Thí dụ ảnh bông hoa minh hoạ tôi dùng đầu bài này được cấp giấy phép là CCO.

Một số trang cung cấp ảnh dạng này:

Ví dụ một ảnh tải trên pixabay:

ví dụ tải ảnh trên pixabay

Bạn có thể thấy thông báo bản quyền của nó rất rõ ràng. Nhấn vào nút Tải về miễn phí và chọn kích cỡ phù hợp.

Từ khoá tìm kiếm trên Google những dịch vụ tương tự: free images – free photos

P/S: Nếu không tìm được ảnh mong muốn với các kho ảnh miễn phí trên, bạn có thể sẽ thích kho ảnh cực kỳ lớn bên dưới đấy. Có thể bạn cũng đã nghe nói đến nó rồi.


3. Kho ảnh khổng lồ của Flickr

Flickr.com là một trong những kho ảnh lớn nhất thế giới hiện nay, số lượng của nó lớn hơn nhiều các kho ảnh tôi vừa kể trên.

Flickr trước thuộc Yahoo vang bóng một thời, nhưng nay nó đã được bán lại cho SmugMug…

Điểm mạnh của Flickr là số lượng ảnh vô cùng lớn, có hàng chục tỷ bức ảnh và hàng triệu nhóm ở đây. Nhưng điểm yếu của nó là không phải ảnh nào cũng miễn phí hoặc cho phép dùng thương mại. Tuy nhiên bạn luôn có công cụ để lọc những ảnh theo tiêu chuẩn cho phép chia sẻ mà bản thân mong muốn.

Như hình bên dưới, mặc định khi bạn tìm kiếm là Mọi giấy phép. Sau đó bạn có thể lọc thành giấy phép mong muốn như là Creative Commons hoặc Cho phép sử dụng thương mại,…

chọn giấy phép flickr

Ngay cả với lựa chọn khá khắt khe là cho phép sử dụng thương mại, tôi cũng tìm thấy hơn 400 ngàn ảnh liên quan đến Paris:

Flickr cung cấp rất nhiều ảnh

Nếu muốn xem thông tin chi tiết về quyền và nghĩa vụ đối với từng ảnh, bạn click vào phần sau:

thông tin bản quyền hình ảnh cụ thể

4. Tìm kiếm ảnh trên Google kết hợp với bộ lọc

Nếu bạn đơn thuần chỉ tìm kiếm ảnh trên Google rồi lấy về sử dụng trong sản phẩm của bạn thì khả năng bạn vi phạm bản quyền là rất cao.

Hiện Google cung cấp thêm các tính năng lọc giúp bạn tránh được tình trạng đó và chọn được các ảnh sử dụng miễn phí (bạn click vào công cụ > quyền sử dụng). Hiện bộ lọc chỉ nhắm rõ ràng cho mục đích sử dụng phi thương mại. Nhưng nói chung nhiều ảnh vẫn sử dụng được cho mục đích thương mại, tuy nhiên để chắc chắn, bạn cần click vào ảnh cụ thể và xem giấy phép của nó là gì.

tuỳ chọn giấy phép cho tìm kiếm hình ảnh của Google

Một lợi điểm khi sử dụng Google là bạn tận dụng được sức mạnh tìm kiếm của nó để tìm tổng hợp đồng thời nhiều kho ảnh khác nhau, thí dụ nó có thể tìm cùng lúc trên cả Flickr, Pixapay, Wikipedia, vân vân.

Bạn có thể tham khảo thêm về các quyền sử dụng ảnh thông qua công cụ tìm kiếm Google ở đây.


5. Đi xin!

Có nhiều nhóm trên Facebook chuyên về chia sẻ ảnh mà bạn có thể hỏi xin, và thường thị tác giả sẵn sàng đồng ý trong vài nốt nhạc.

Ưu điểm của giải pháp này là tiện, nhanh, và có được ảnh nhiều khi không kiếm được ở đâu khác.

Nhược điểm: thụ động, và ít khi áp dụng được ảnh xin cho mục đích thương mại vì có rủi ro người đăng chưa chắc là chủ thực sự, ngoài ra nhiều người rộng rãi với mục đích dùng cá nhân (đăng lên blog, tải về làm hình nền máy tính, điện thoại), nhưng nếu dùng ảnh để kiếm tiền thì họ không mặn mà cho miễn phí đâu (cũng chẳng trách được).


6. Mua ảnh

Cần để ý đến trường hợp này khi bạn dùng ảnh cho mục đích thương mại cao cấp, có tính lâu dài để đảm bảo không gặp rắc rối nghiêm trọng về sau – vì khi ấy sửa chữa rất mệt mỏi và tốn kém.

Ví dụ khi bạn làm logo, tem nhãn, bao bì sản phẩm cho công ty thì nên tìm mua ảnh, điều này cho bạn ba thứ quan trọng:

  • Ảnh chất lượng rất cao;
  • Tự do tối đa trong ý tưởng;
  • Khả năng vi phạm bản quyền là gần như không có chút nào;

Một số trang:

Một số mẹo:

Thường ảnh càng to sẽ càng đắt, nên bạn chỉ cần mua ảnh có kích cỡ phù hợp với nhu cầu.

Mặc dù nhiều trang có lưu ảnh của bạn, nhưng bạn cũng nên save lại, phòng khi tái sử dụng.

Ảnh là của bạn rồi nhưng đừng share nó cho người khác. Theo quy định, ảnh đã bán cho bạn nhưng chỉ bạn được sử dụng thôi, nếu bạn định mua đứt thì sẽ tốn rất nhiều tiền, do vậy mua cho bản thân là được rồi.

Nếu bạn để ý, các trang web trên thế giới, một là họ có phóng viên tác nghiệp tự chụp ảnh của họ, nếu không có họ hay mua ảnh ở các trang bán ảnh chuyên nghiệp.

Bạn nào chuyên tạo nội dung (bài viết) chất lượng cao và cần mua ảnh, tôi có một mẹo nhỏ có thể giúp bạn tiết kiệm tiền. Đó là bạn nên mua theo gói lớn, giá ảnh có thể giảm đến 5 lần. Nhưng sẽ hơi phiền một chút. Đấy là bạn phải đợi số lượng bài viết hoặc sản phẩm khác của bạn nên đến vài trăm, sau đó bạn mua một gói lớn dùng trong một tháng đó.

Ví dụ về giá một gói ảnh lớn trên 123RF:

giá một tuỳ chọn mua gói ảnh lớn

Bạn nên so sánh giá giữa các gói lớn khác nhau trên cùng trang web và các trang web để tìm được lựa chọn tối ưu. Một lưu ý nữa là nên tìm thử trước để xem kho ảnh mà bạn định mua có cung cấp được hầu hết các ảnh mà bạn muốn hay không. Đây là món đầu tư lớn nên bạn phải chắc chắn là đồng tiền bỏ ra đem lại kết quả.


7. Tạo ảnh bằng AI (trí thông minh nhân tạo)

Đây là xu hướng mới năm 2022 và dự kiến sẽ phát triển rất mạnh trong những năm tới đây. Trí thông minh nhân tạo (AI, là viết tắt của Artificial Intelligence, chứ không phải viết tắt của Adobe Illustrator) kết hợp với kho dữ liệu khổng lồ hình ảnh giúp chúng ta có thể tạo ra một hình ảnh mới từ những mô tả văn bản thuần túy, chẳng hạn bên dưới là tranh được tạo bằng dịch vụ DeepAI theo phong cách ấn tượng:

Ảnh tạo bằng AI

Gợi ý (prompt) được tôi dùng là: “Người đàn ông đứng trên cầu ngắm hoàng hôn”.

PS: bạn nào muốn thử thì cần chuyển nó thành mô tả dạng tiếng Anh rồi nhập vào (ví dụ: “Man standing on bridge watching sunset”).

Xem thêm: hướng dẫn cách tạo ảnh bằng AI (15 phút là đủ để bạn học cách dùng cơ bản, sau đó bạn chỉ mất chưa tới 1 phút để có các bức hình ưng mắt).

Một số cảm nhận của tôi:

  • Đây không phải sản phẩm từ trên trời rơi xuống, nó đã được phát triển trong thời gian dài rồi, giờ chúng ta mới nghe tiếng chẳng qua là sản phẩm đã đạt độ chín để thương mại hóa với giá thành chấp nhận được cho người dùng phổ thông.
  • AI tạo ảnh phong cảnh hoặc động vật tốt hơn so với con người, lý do có thể là vì với con người chúng ta có độ nhạy cảm rất cao, đặc biệt là khuôn mặt, do vậy các chi tiết về khuôn mặt dễ bị chúng ta bắt lỗi.
  • AI tạo hình các khuôn mặt phương Tây cho độ chân thực tốt hơn theo các phong cách tranh, ảnh khác nhau, cái này có thể là vì kho dữ liệu nguồn có hình ảnh người phương Tây phong phú hơn, vấn đề đó sẽ sớm được giải quyết khi các công cụ nhập thêm kho dữ liệu hình ảnh, cái vốn rất dồi dào hiện nay. Vấn đề sẽ là tùy dịch vụ có khả năng mua hoặc sở hữu kho dữ liệu hình ảnh như vậy (ý là bạn sẽ thấy có các dịch vụ AI tạo ảnh con người tốt hơn nhiều các dịch vụ khác).
  • Để tạo ra các bức hình đẹp cần tập luyện. Mặc dù dùng ngôn ngữ tự nhiên để mô tả, nhưng các bức hình đẹp cần sự mô tả “đúng bài” mà không dễ gì người mới có thể thành thạo được ngay (ngoài ra phần lớn dịch vụ yêu cầu nhập tiếng Anh, đây cũng là cản trở nhất định). Nhưng không sao chuyện này cũng như nhiều chuyện khác, có thời gian là tiến bộ được.
  • Chọn phong cách, kiểu tranh ảnh cũng rất quan trọng, nếu bạn chọn không phù hợp, bức hình của bạn trông không ra sao cả! Tranh ảnh và các phong cách của nó rất đa dạng, cũng sẽ cần đôi chút thời gian để tìm hiểu, ít nhất nhất ở mức căn bản (cách đơn giản nhất là thử sai với dịch vụ bạn đang dùng). Ví dụ ở dịch vụ của DeepAI, bạn muốn vẽ con rồng thì chọn phong cách ảo mộng sẽ tốt hơn phong cách vẽ theo kiểu ấn tượng.
  • Giá thành nhìn chung chấp nhận được. Với 1 USD bạn có thể tạo được từ 20 cho đến 100 bức hình tùy dịch vụ, nếu không có nhu cầu về hình ảnh quá lớn, tôi thấy giá này là vừa phải. Ví dụ bạn viết bài và cần ảnh minh họa đầu bài (và đôi khi cả hình bên trong bài), trung bình mỗi bài bạn cần 5 bức, một năm bạn viết 200 bài, tức bạn cần 1000 hình, bạn sẽ tốn 10 – 20 USD / năm.

Bonus: một địa chỉ cung cấp dịch vụ miễn phí (với số lượng giới hạn mỗi ngày) có chất lượng tốt đáng để thử là Nightcafe, họ tích hợp vào trong dịch vụ các sản phẩm tốt nhất hiện nay về mảng này, chẳng hạn như DALL E 2Stable Diffusion.


8. So sánh ưu nhược điểm của từng phương pháp

  Kho ảnh miễn phí Flickr Tìm trên Google (có lọc) Mua ảnh
Chi phí Free Free Free Tốn tiền ($)
Sử dụng cho mục đích Phi thương mại
Sử dụng cho mục đích Thương mại Có (nhưng phải mất công lọc) Không có trong bộ lọc chính thức
Mức độ đa dạng của ảnh (giúp dễ tìm được ảnh mong muốn hơn) Trung bình Cao Rất cao Rất cao
Chất lượng ảnh Từ khá đến cao, và tương đối đồng đều Đa dạng từ trung bình đến cao, nhưng không đồng đều Đa dạng từ trung bình đến cao, nhưng không đồng đều Cao, đồng đều
Kích cỡ ảnh Đa dạng (từ trung bình đến rất lớn) để tuỳ ý lựa chọn Đa dạng, nhưng không phải ảnh nào cũng có kích cỡ lớn Đa dạng, nhưng không phải ảnh nào cũng có kích cỡ lớn Đa dạng (từ trung bình đến rất lớn) để tuỳ ý lựa chọn

9. Kho ảnh chuyên ngành

Phần cuối này là phần bổ sung thêm, có thể không hữu dụng với nhiều người, nhưng những ai cần sẽ thấy rất thú vị và thấy nó có chất lượng vượt trội so với các kho ảnh đa lĩnh vực.

Đặc điểm của kho ảnh chuyên ngành là nó chỉ phục vụ ảnh cho một chuyên môn, lĩnh vực cụ thể & hiện tôi cũng chỉ biết rất hạn chế các kho ảnh như vậy.

Kho ảnh y tế

Kho ảnh đầu tiên tôi muốn chia sẻ thuộc về lĩnh vực sức khỏe, y tế, nó nằm ở địa chỉ: openi.nlm.nih.gov

Bạn sẽ không thể tìm ảnh ở đây qua Google được, mà buộc phải truy cập vào nó và sử dụng công cụ của nó để tìm kiếm ảnh.

kho ảnh y tế miễn phí của NIH

Có vô số ảnh miễn phí ở đây, và rất nhiều cái trong số đó cho phép sử dụng cả trong lĩnh vực thương mại. Đây là sản phẩm của viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Kho icon, ảnh vector

Ở trên là ảnh chụp, nếu bạn muốn tìm icon, ảnh vector thì sao. Bạn có thể ghé thăm bài viết về iconfinder để tìm hiểu thêm. Đây cũng là kho ảnh vector miễn phí và trả phí rất nổi bật trong lĩnh vực này.

Ngoài ra tôi mới biết thêm thenounproject.com cũng là kho icon có hơn 1 triệu icon miễn phí.

the noun project

10. Kết luận

Hoá ra tìm ảnh miễn phí không khó như bạn nghĩ đúng không?

Lời khuyên cuối cùng liên quan đến ảnh là bạn hãy chịu khó một chút học cách sử dụng bộ lọc, các kho ảnh thường có đến hàng triệu bức ảnh, thậm chí ngay cả khi bạn tìm với một từ khoá cụ thể nào đấy cũng có thể có đến vài trăm ngàn bức phù hợp (thí dụ như trên Flickr).

Khi đó biết cách sử dụng hiệu quả bộ lọc rất quan trọng. Nó sẽ giúp bạn tìm được đúng bức ảnh mà bạn mong muốn thay vì phải xới tung đống ảnh dài bất tận đang hiển thị trước mặt.

Comments are closed.

Back to Top